Xử lý tận gốc “bệnh” chậm giải ngân

Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

cam-lam-nha-trang-6-1654491007.jpg

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy nền kinh tế. Ảnh: Huy Hùng

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại các chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án, công trình trọng điểm quốc gia lại được các đại biểu Quốc hội làm nóng trong phiên thảo luận tại hội trường về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Đại biểu Quốc hội lo ngại bởi tính đến cuối tháng 5/2022, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Lo ngại bởi ngoài việc vốn giải ngân chưa đạt mục tiêu đề ra, vẫn còn tới 41/51 bộ, ngành và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn dù năm nay, vốn được giao từ rất sớm.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thì việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy nền kinh tế.

Về dài hạn, nguồn vốn đầu tư công dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm còn tạo động lực phát triển, thu hút thêm vốn đầu tư xã hội.

Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt, thậm chí ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp bám các công trình trọng điểm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Song, sự sốt ruột của các đại biểu Quốc hội còn đến từ thực trạng “căn bệnh” giải ngân vốn đầu tư công rất chậm được khắc phục, thậm chí việc tiêu tiền ngày càng trở nên khó khăn, mất quá nhiều công sức dù giải ngân sớm sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là nhà thầu thi công và đơn vị quản lý dự án.

Dưới góc nhìn của một số đại biểu Quốc hội, các biện pháp như điều chuyển vốn đầu tư công tại các dự án giải ngân thấp và một số giải pháp đốc tiến độ được triển khai trong thời gian qua không còn đem lại kết quả như kỳ vọng. Rất có thể, thực trạng trên sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được lên kế hoạch giải ngân trong 2-3 năm tới.

Trên thực tế, tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như tiến độ giải phóng mặt bằng (đối với các dự án nhóm A trở lên thường mất tối thiểu 2-3 năm); điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền; năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu)… trong khi chi tiêu vốn ngân sách nhà nước luôn đòi hỏi trình tự phức tạp, thủ tục rất chặt chẽ. Chính vì vậy, bên cạnh gói cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, cung cấp vật liệu… để không rơi vào tình trạng bội thực, có vốn mà không hấp thụ được, thì cần có thêm nỗ lực, quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ có thể đạt được kết quả tích cực khi các chủ đầu tư nhận diện được những rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để rút ngắn tiến trình triển khai dự án.

Ngoài việc học tập mô hình triển khai công trình nhanh gọn của các nhà đầu tư tư nhân như Vingroup, Sungroup..., các chủ đầu tư được giao vốn còn phải kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Ngoài ra, phải kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp..., qua đó có thể lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực.

Quan trọng hơn, phải có bước chuẩn bị đầu tư thật tốt, tránh tình trạng dự án đã khởi công, nhưng các bên liên quan vẫn phải loay hoay điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, điều chỉnh dự án. Trong giai đoạn trước mắt, bên cạnh tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan chức năng vẫn phải bám sát công trường, thậm chí “cầm tay, chỉ việc” tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu. Đặc biệt là trong bối cảnh giá một số mặt hàng có xu hướng còn tăng, thì phải xử lý sớm, có hiệu quả các vấn đề liên quan đến biến động giá vật liệu đầu vào. Như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác.

Tinh thần phải quyết liệt thì mới có thể thúc đẩy được giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện thắng lớn nhiệm vụ kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa ổn định, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã giao.