Xuất khẩu lập kỷ lục bất chấp đại dịch Covid-19

Các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới sẽ không đem lại hiệu quả tích cực nếu như cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) không chủ động tận dụng thời cơ để tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Tại Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đặc biệt, chủ động, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Xuất nhập khẩu có thể vượt kỷ lục 500 tỉ USD

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương nhận định hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các FTA và nhu cầu thị trường gia tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.

"Để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc để đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới" - Bộ Công Thương cho biết.

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 29,9 tỉ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 299,67 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi ước tính xuất siêu 100 triệu USD và tính chung 11 tháng, ước tính Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD.

Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu ở Bình Dương (Ảnh: Ngọc Ánh)

"Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. DN xuất khẩu tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường như EU, Hàn Quốc..." - Bộ Công Thương nhận định.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 640-645 tỉ USD, vượt mốc kỷ lục 500 tỉ USD của các năm trước. Trong đó, nhiều ngành có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch; một số ngành thế mạnh như dệt may, da giày… có thể hoàn thành mục tiêu sớm hơn dự kiến dù chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Tỉ lệ tận dụng ưu đãi cao

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhận xét sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25%-30%/năm.

Riêng với thị trường EU, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng EVFTA mở ra những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, lâu dài.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu, cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) đã cấp hơn 168.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỉ USD, tương đương 20,37% kim ngạch xuất khẩu đi EU. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang EU sau hơn một năm triển khai được xem là khá tốt, đạt 20,37%, tương đương một số FTA khác sau nhiều năm thực thi. Trong đó, giày dép đang là ngành dẫn đầu với 90,79% lô hàng giày xuất khẩu đi EU đều được cấp C/O, trị giá 3,94 tỉ USD; tiếp đến là thủy sản, vali, túi xách, các loại kim loại, gạo…

"Xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA nhưng cũng vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ. DN cần có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan" - bà Hiền lưu ý.

Một FTA khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Sau gần 1 năm thực thi, tính đến hết tháng 10-2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỉ USD, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt 4,735 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.

Bên cạnh những tác động tích cực trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu, các FTA thế hệ mới với những cam kết chặt chẽ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đi xa hơn trong quá trình đổi mới thể chế kinh tế, minh bạch hóa thủ tục hành chính, từ đó xây dựng môi trường đầu tư - thương mại ngày càng thuận lợi, góp phần vào tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế, đánh giá Việt Nam là một trong những nước tận dụng các FTA tốt chỉ sau Trung Quốc. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực, hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược…

Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm vào WTO đã đàm phán, ký kết được 15 FTA. Trong đó, với tư cách là một bên độc lập, Việt Nam đã ký 6 FTA với các đối tác Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, EU và các đối tác trong CPTPP.

Đặc biệt, trong 2 FTA thế hệ mới là EVFTA và CPTPP, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trên các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm Chính phủ và cả những lĩnh vực nhạy cảm như lao động, môi trường…