Xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng

Hoạt động xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng. Đáng chú ý, trong tháng 2 dù có số ngày làm việc ít hơn tháng 1 do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song vẫn có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD. Đây là tiền đề quan trọng để xuất khẩu tăng tốc những tháng tới...
Trong tháng 02/2022, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong tháng 02/2022, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 48,2 tỷ USD, giảm 20% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 17,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2% và nhập khẩu tăng 15,9%.

9 MẶT HÀNG XUẤT KHẨU TRÊN 1 TỶ USD

Cụ thể, trong tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 13,2%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).

Xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng - Ảnh 1
 

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,9%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 18,25 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,48 tỷ USD, tăng 15,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD.

Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 78,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng - Ảnh 2
 

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

RỦI RO TỪ XUNG ĐỘT GIỮA NGA – UKRAINA

Mặc dù, xuất khẩu đã có được đà tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch bệnh, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga – Ukraina.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD tăng 26% so với năm 2020, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 21% và đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nga là 2,2 tỷ USD, tăng 38% và đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Nga các mặt hàng như phân bón, than, sắt thép và nông sản,... nhưng không nhập khẩu dầu thô từ thị trường này. Đối với thị trường Ukraina, thương mại hai chiều Việt Nam - Ukraina mới đạt trên 720 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Như vậy, trong năm 2021, hai thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,2% (tương đương 7,8 tỷ USD) trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang Nga và Ukraina nhưng mức xuất khẩu và nhập khẩu đều rất nhỏ, chỉ chiếm 0,11 - 1,03% kim ngạch của cả nước.

Cụ thể, đối với thị trường Nga, Việt Nam xuất siêu 109,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước). Đối với thị trường Ukraina, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD).

Cho dù kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraina không lớn, song tại cuộc họp bàn các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, Nga và Ukraina không phải là thị trường lớn nhưng vẫn quan hệ giao thương với Việt Nam ở những mặt hàng nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu chăn nuôi…

“Chúng ta xuất khẩu sang các thị trường này một lượng hàng hóa không lớn nhưng cũng có sự lan tỏa ra khu vực thị trường liên minh Á - Âu là khu vực Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Do đó, sự đứt gãy này sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp. Chưa kể, chúng ta phải lường trước được những tác động đến vấn đề tỷ giá, ngoại tệ, phương thức thanh toán… do xung đột này gây ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

PHẢI ĐẢM BẢO HÀNG HÓA ĐƯỢC LƯU THÔNG

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

Việt Nam chủ yếu xuất sang Nga là điện thoại, máy tính, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, đồ gỗ, da giày, thực phẩm... Theo thông tin, hiện nay các mặt hàng này không nằm trong diện trừng phạt và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể giao dịch với Nga.

"Tuy nhiên, do tác động của lệnh trừng phạt và kinh tế giảm sút nên đồng nội tệ Nga cũng mất giá rất nhanh, sức mua giảm và việc Nga bị trừng phạt nặng nề làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngại ngần, hạn chế giao dịch với thị trường Nga. Dự báo xuất khẩu thời gian tới của Việt Nam sang Nga sẽ có những sự giảm sút nhất định”, ông Linh nhận định.

Việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước

Đồng thời đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu; các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác, cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp.

Đặc biệt, chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào các thị trường; tiếp tục khai thác tốt thị trường truyền thống; tiếp cận các thị trường mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến các thị trường.