Những năm gần đây, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày một tăng lên, từ 65 nghìn tỷ (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130 nghìn tỷ (chiếm 18,9%) năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh này đã chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới.
Bancassurance đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng 23%.Thống kê cho thấy, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance, 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng gồm: Bảo Việt Nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi Life, AIA…
Về phía các ngân hàng, hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021, trong đó điển hình như: VIB đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; TCB đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife; ACB đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife…
Tại diễn đàn "Bancassurance: Tiềm năng và thách thức", được tổ chức ngày 27/7, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, kênh phân phối bảo hiểm bancassurance xuất hiện rủi ro xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Phản ánh tới VnBusiness mới đây, Chị Lan Anh (Hà Nội) cho biết trước đó đã có hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang đóng phí từ vài năm. Khi vay ngân hàng, chị chấp nhận mua kèm thêm hai hợp đồng bảo hiểm nữa.
Theo tính toán của chị, với phương án mua bảo hiểm kèm khoản vay, chị mất gần 20 triệu đóng phí bảo hiểm năm đầu tiên nhưng vẫn có lợi nhờ được giảm 1% phí phạt khi trả khoản vay trước hạn. Nhân viên ngân hàng cũng vui và có hoa hồng, vì hoàn thành chỉ tiêu.
Khi có trong tay 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chị phải chọn cách huỷ ngang hai gói bảo hiểm mua qua ngân hàng sau khi đóng phí năm đầu tiên (khoản vay của chị không ảnh hưởng gì từ việc huỷ này). Đây cũng là cách nhân viên ngân hàng gợi ý khi chị nói rằng "không có nhu cầu và không có khả năng tài chính tham gia thêm bảo hiểm".
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng vui vẻ chấp nhận mua bảo hiểm để được vay vốn ngân hàng. Một số trường hợp thậm chí đã kiện ngân hàng vì "ép" mua bảo hiểm kèm khoản vay và đã thành công trong việc đòi lại tiền đóng bảo hiểm năm đầu.
Cần có hành lang pháp lý chi phối nghiệp vụ bán hàng
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra – Ngân hàng Nhà nước khẳng định, khách hàng tham gia bảo hiểm của là tự nguyện. Nếu nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt
“Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt nghiêm túc vấn đề này. Đâu đó có những lúc, những chỗ xảy ra tình trạng này, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi rất quan tâm và mong nhận được thông tin của các cơ quan báo chí, phát hiện trường hợp nào chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm”, ông Trần Đăng Phi nhấn mạnh.
Mặc dù cơ quan quản lý nhiều lần cảnh báo và khẳng định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, song tình trạng này không giảm. Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng này.
Theo ông Lực, sản phẩm bancassurance có tính chất tương đối phức tạp kể cả về mặt kỹ thuật hay tính toán. Trong khi đó, kiến thức, hiểu biết cũng như kinh nghiệm của bản thân nhân viên bán hàng và tư vấn đối với sản phẩm bảo hiểm chưa tốt.
Việc xuất hiện khách hàng phàn nàn về hiện tượng gượng ép mua bảo hiểm nguyên nhân do xung đột lợi ích giữa các bên. "Khi ngân hàng triển khai phân phối các sản phẩm bảo hiểm, nhân viên ngân hàng sẽ đứng giữa một “ngã ba đường” xem mình sẽ ưu tiên công việc nào hơn: Công việc chính tại ngân hàng hay là bán bảo hiểm? Đây là vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới," ông Lực cho hay.
Đưa ra giải pháp, chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có hành lang pháp lý chi phối nghiệp vụ bancassurance, trong đó có cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt trong đó phải quy định rõ ràng hơn quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Bên cạnh đó, cần phải đầu tư hơn nữa vào việc đào tạo, huấn luyện về kỹ năng và kiến thức, nhất là kỹ năng và kiến thức tư vấn của đội ngũ bán hàng, cũng như là đội ngũ thực hiện dịch vụ sau bán hàng.
Đồng thời cần phát triển sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng và chuyển đổi số đang cho phép chúng ta cá thể hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm theo hướng phục vụ khách hàng tốt hơn.
Cùng với đó, ông Lực cho rằng, cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo đó, cơ quan quản lý phải sớm có quy định cho phép chia sẻ dữ liệu ra sao để việc nắm bắt nhu cầu khách hàng cũng như kiểm soát rủi ro và vấn đề bảo mật được đảm bảo tốt hơn.