Nhiều giám đốc doanh nghiệp bị đưa ra xét xử
Dự kiến ngày 29/8, TAND tỉnh Ninh Thuận sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP cấp nước tỉnh Ninh Thuận".
Theo cáo trạng, bị cáo Lê Xuân Phương - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Việt Lê (gọi tắt Công ty Việt Lê, ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) có quen biết Nguyễn Đức Cảm (Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Ninh Thuận) nên đã nhờ giúp đỡ để nhận được 3 gói thầu công trình mở rộng hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Sau này, ông Cảm biết Công ty Việt Lê của bị cáo Phương không đủ năng lực thi công nên đưa cho Phương bản photo chứng chỉ chuyên ngành cấp nước của một người khác để Phương đưa vào hồ sơ. Vì sợ bị buộc tội, Cảm khai có hỗ trợ Công ty Việt Lê đủ năng lực thi công để công ty Việt Lê trúng 3 gói thầu và Phương đã cảm ơn (lại quả) Cảm khoảng 5 lần với số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh L.H |
Từ những hành vi trên, Viện KSND tỉnh Ninh Thuận đã truy tố Nguyễn Đức Cảm (hiện đã chết vì bệnh tật) tội "Nhận hối lộ", còn bị cáo Lê Xuân Phương bị truy tố tội "Đưa hối lộ". Ngoài ra bị cáo Phương còn bị truy tố thêm tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã chỉ đạo thi công gian dối để nâng khống khối lượng hoàn thành trong hồ sơ nghiệm thu và chiếm đoạt gần 580 triệu đồng của Công ty CP cấp nước Ninh Thuận.
Trong vụ này, Viện KSND tỉnh Ninh Thuận cũng truy tố Nguyễn Lân (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và thương mại Trúc Lâm) và Lưu Quốc Phong (Giám đốc Công ty TNHH Trường Thành Việt) tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hai bị cáo này đã kê khống khối lượng để chiếm đoạt tiền của Công ty CP cấp nước Ninh Thuận khi thi công các gói thầu.
HĐXX tuyên bố hoãn phiên toà vì vắng mặt bị cáo và người liên quan. Ảnh L.H |
Ngoài ra, Viện KSND Ninh Thuận còn truy tố Nguyễn Châu Khoa (Giám đốc), Trần Lê Anh Khoa (Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Trùng Dương) và Nguyễn Phú Cường (nhân viên phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty CP cấp nước Ninh Thuận) cùng tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên toà được mở hôm 11/8 vừa qua, bị cáo Nguyễn Châu Khoa cùng những người có nghĩa vụ liên quan đã vắng mặt, vì thế, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà và sẽ xét xử vào ngày 29/8.
Bị cáo quả quyết không có chuyện đưa, nhận tiền?
TS. Luật sư Đỗ Nghề (Giám đốc Công ty Luật Super Green, bào chữa cho bị cáo Lê Xuân Phương) cho biết: “Trong toàn bộ quá trình điều tra, không có lời khai, chứng cứ nào thể hiện việc ông Phương dùng bất kỳ vật chất hoặc lợi ích nào để mua chuộc những người tham gia nghiệm thu nhằm làm sai lệch kết quả nghiệm thu công trình. Chính vì lý do đó mà công ty của bị cáo Phương được quyết toán theo đúng kết quả nghiệm thu mà chính bị hại là Công ty CP cấp nước Ninh Thuận đã ký nhận vào đấy”.
Bên cạnh đó, theo lời khai của ông Cảm, khi nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng thì có đại diện chủ đầu tư, đại diện đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án, đại diện chính quyền địa phương tham gia quá trình nghiệm thu.
Luật sư Đỗ Nghề (bên phải ảnh) tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Xuân Phương tại phiên toà. Ảnh L.H |
Cụ thể, ông Cảm khai không bao giờ hứa hẹn cho Công ty Việt Lê được thi công công trình và đồng thời ông không thể tự quyết định được đơn vị nào sẽ trúng thầu công trình. Ông Phạm Hồng Châu (Giám đốc Công ty CP cấp nước Ninh Thuận) mới là người có thẩm quyền quyết định trong vấn đề trên. Ông Châu trong quá trình tham gia lấy lời khai tại cơ quan điều tra cũng đã khẳng định không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ ông Phương, ông Cảm.
Tại biên bản đối chất giữa ông Cảm và ông Phương, ông Cảm một lần nữa khẳng định không có thỏa thuận gì về việc chia tỷ lệ hoa hồng và việc ông Phương mang tiền đến văn phòng để xin công trình là không có.
Theo luật sư Đỗ Nghề, quá trình nghiên cứu biên bản lấy lời khai cũng như biên bản đối chất của ông Cảm và ông Phương cho thấy lời khai mà cơ quan điều tra đã thu thập còn nhiều mâu thuẫn.
Vẫn theo luật sư Đỗ Nghề, bản thân bị hại là Công ty CP cấp nước Ninh Thuận khi phát hiện ra nghiệm thu không đúng với thực tế cũng không phát hành văn bản thông báo cho Công ty Việt Lê sai lệch về khối lượng thi công không đúng thiết kế ban đầu để hai bên cùng rà soát lại, có thể khắc phục phần thi công còn thiếu sót và có hướng xử lý bằng vi phạm hợp đồng kinh tế.
Từ những cơ sở trên, luật sư Đỗ Nghề cho rằng, Viện KSND tỉnh Ninh Thuận truy tố ông Phương tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, truy tố ông Phương và ông Cảm tội “Đưa và Nhận hối lộ” là không có cơ sở.