Áp lực lạm phát gây khó cho ngân hàng trung ương Mỹ

FED cần nâng lãi suất để đối phó tình trạng giá cả leo thang. Nhưng việc mạnh tay tăng lãi suất có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Theo CNN, Ngân hàng Trung ương Anh đã bắt đầu tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm làm theo. Tuy nhiên, câu hỏi dược đặt ra là ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ mạnh tay đến mức nào.

Giới quan sát không cho rằng Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ sớm có động thái mới trong tuần này. Điều đó có thể xảy ra vào tháng 3. Đây có khả năng là lần đầu tiên FED thay đổi lãi suất kể từ khi cắt giảm xuống gần 0 vào đầu đại dịch Covid-19.

Ngân hàng trung ương của Mỹ cũng đã không nâng lãi suất kể từ tháng 12/2018.

Giới quan sát dự báo Chủ tịch FED Jerome Powell có thể đưa ra động thái mới vào cuộc họp tháng 3. Ảnh: Reuters.

"Nín thở" chờ động thái của FED

Theo CNN, lãi suất tăng cao sẽ khiến chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp lao dốc.

Phố Wall tin rằng FED sẽ đưa ra một kế hoạch chậm rãi và bài bản để đối phó với tình trạng giá cả leo thang. Việc mạnh tay tăng lãi suất có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Các thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua đợt giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. "Giới đầu tư đối mặt với nỗi lo ngại lớn. Đó là áp lực lạm phát dường như không sớm biến mất và có thể FED sẽ trở nên quá mạnh tay trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ”, chuyên gia tài chính Edward Moya bình luận.

Dữ liệu của Chicago Mercantile Exchange chỉ ra thị trường đang định giá 88% khả năng lãi suất sẽ được nâng 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 16/3.

FED đang thua trong cuộc chiến chống lạm phát. Cơ quan này chưa thể đến đúng nơi cần thiết

Nhà quản lý quỹ Bill Ackman

Nhưng một số nhà giao dịch tin rằng FED sẽ nâng lãi suất mạnh tay hơn. Các nhà đầu tư đang định giá 5% khả năng FED tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. 7% còn lại dự báo FED không đưa ra bất cứ động thái nào.

Theo nhà quản lý quỹ Bill Ackman, việc FED nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ là một "động thái bất ngờ, tạo nên cú sốc và nỗi kinh hoàng cho thị trường". "Điều này chứng minh sự quyết tâm của cơ quan này nhằm ngăn chặn lạm phát", ông nhấn mạnh.

"FED đang thua trong cuộc chiến chống lạm phát. Cơ quan này chưa thể đến đúng nơi cần thiết. Điều đó gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất", vị chuyên gia khẳng định.

Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982.

Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và FED.

Dự báo trái chiều

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.

Hiệp hội Môi giới Quốc gia (NAR) cho biết giá nhà trung bình năm 2021 đã tăng 16,9% so với năm 2020 lên mức 346,900 USD/căn. Thị trường nhà ở tăng mạnh giúp các chủ sở hữu kiếm khoản lời khổng lồ.

"Các chủ sở hữu nhà trên khắp nước Mỹ đã kiếm được một khoản thu khá lớn. Thị trường nhà ở chứng kiến đà tăng mạnh mẽ trong năm nay. Doanh số bán nhà và giá đều vọt lên mạnh mẽ", ông Lawrence Yun - nhà kinh tế trưởng của NAR - bình luận.

Giá cả có thể giảm đi khi những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát cho rằng lạm phát khó có thể trở lại mức trước đại dịch.

Hôm 14/1, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ doanh số bán lẻ trong tháng 12 của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã lao dốc nhiều hơn dự báo của giới quan sát. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng cuối năm 2021 tại Mỹ sụt giảm 1,9% so với tháng liền trước. Mức giảm được Dow Jones dự báo chỉ là 0,1%.

Lạm phát tăng cao sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ảnh: Reuters.

Nếu loại trừ doanh số bán ôtô, doanh số bán hàng lao dốc 2,3%, vượt xa mức dự báo 0,3%. Nguyên nhân dẫn đến doanh số bán lẻ lao dốc là ảnh hưởng từ biến thể virus mới và lạm phát tăng kỷ lục.

Ngay cả một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất. Ông Bruce Van Saun - CEO Citizens Financial Group - cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể hành động nhanh hơn để giảm áp lực lạm phát hơn nữa.

Tuy nhiên, hầu hết cho rằng FED sẽ tìm cách giảm áp lực lạm phát bằng những đợt nâng lãi suất nhỏ. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay (tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12) và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 7.

Ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - dự báo ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất "nhiều hơn 4 lần trong năm nay", thậm chí lên tới 6, 7 lần.