Áp lực tăng lãi suất hiện hữu trong những tháng cuối 2022

Giới phân tích nhận định, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Chứng khoán SSI, trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý II/2022, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.

Song, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.

Đồng thời, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022.

“Lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1 - 1,5%. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1% - 2% so với năm 2021. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.”, SSI nhận định.

Năm 2023, SSI dự báo diễn biến của lãi suất có thể sẽ có sự khác biệt giữa nửa đầu năm và nửa cuối năm. Nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023, với CPI theo ước tính là 5,2%. Sau đó, lãi suất huy động có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023, khi áp lực lạm phát giảm dần (CPI theo ước tính là 3,4% trong nửa cuối năm 2023). Trong cả năm, lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng khoảng 70-80 điểm cơ bản và tiệm cận mức trước COVID-19 tại một số ngân hàng.

Theo Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng (dù phần lớn là lạm phát “nhập khẩu” từ nước khác) sẽ thúc giục cơ quan này cần phải thắt chặt tiền tệ.

Chuyên gia HSBC cho biết, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV/2022, thậm chí có lúc vượt trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng.

HSBC vẫn giữ quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý III/2022, có hiệu lực từ quý IV/2022;

Đồng thời dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ quý IV/2022 cho đến quý III/2023. Lãi suất điều hành theo đó sẽ tăng mạnh lên 6,5% vào cuối quý III/2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào quý IV/2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.

Dẫu vậy, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cũng cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường, cùng đó sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu, nhưng khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, khi lạm phát ngày càng gia tăng và VND mất giá nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục lập trường ủng hộ tăng lãi suất để chống lạm phát.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.