ASEAN trên đà phục hồi kinh tế

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đứng bên bờ vực suy thoái, thì Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trên đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2022. Đây là nhận định của bài viết vừa được đăng trên tạp chí Eurasia Review.

lao-dong-asean-1667615987.jpg May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

 

Nhờ thương mại và đầu tư nội khối

 Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tăng hơn 6%, trong khi tăng trưởng của Indonesia và Campuchia dự kiến khoảng 5%. Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3%.

Phần lớn tăng trưởng này là nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi của nhu cầu trong nước và đầu tư; sự phát triển đô thị diễn ra khắp khu vực, ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Khu vực ASEAN thu hút được các ngành sản xuất do chi phí tương đối thấp.

Tác giả bài báo nhận định, thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh. Đây chính là yếu tố bảo vệ ASEAN phần nào trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, ASEAN vẫn có vùng đệm để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái quốc tế nào sắp tới. Nhiều nhà phân tích kinh tế tin rằng ASEAN tiếp tục tương đối phát triển trong năm tới.

Những vấn đề tiềm ẩn

 Tuy nhiên, một số nước ASEAN đang phải đối mặt với những vấn đề tiềm ẩn. Mặc dù xuất khẩu tăng nhanh ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, song tình trạng suy thoái kinh tế quốc tế có thể làm giảm nhu cầu vào cuối năm nay và năm 2023. Các đồng nội tệ bị suy yếu, nợ công và nợ tư nhân tăng, giá năng lượng tăng phi mã và lạm phát. Một số nhà phân tích quan ngại rằng, “bong bóng” bất động sản có thể vỡ. Sự phục hồi kinh tế của ASEAN đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động kinh niên ở Singapore, Malaysia và thậm chí cả Thái Lan. Điều này có thể cũng cản trở sự tăng trưởng tiềm năng của ngành xây dựng và sản xuất nếu không được giải quyết.

Với chủ đề “Cùng nhau tái định hình thế giới việc làm trong cộng đồng ASEAN thông qua phục hồi và tăng trưởng kỹ thuật số, toàn diện và bền vững”, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 27 vừa diễn ra tại Manila (Philippines), đã trao đổi quan điểm về những thách thức toàn cầu và xuyên quốc gia đang ảnh hưởng đến người lao động và thị trường lao động trong khu vực.

Liên quan đến tăng trưởng kỹ thuật số, theo báo cáo “Nền kinh tế điện tử Đông Nam Á 2022” (e-Conomy SEA 2022) vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố cho biết, nền kinh tế số của ASEAN đang trên đà thu về 200 tỷ USD trong Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2022, sớm hơn 3 năm so với dự kiến và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

E-Conomy SEA 2022 dự báo nền kinh tế internet trong khu vực sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 20% từ năm 2022-2025. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên ASEAN mặc dù đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch, nhưng phải đối mặt với những “cơn gió ngược” toàn cầu có nguy cơ làm chệch hướng nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Báo cáo nêu rõ “lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là các lĩnh vực đóng vai trò cốt lõi của nền kinh tế số”.

Cũng như Eurasia Review nhận định, những thách thức phía trước đối với ASEAN sẽ là vấn đề kiểm soát nợ và lạm phát, đối phó với tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài thấp hơn, giải quyết tình trạng tỷ giá hối đoái đang xói mòn và một đợt đầu cơ ngoại tệ khác nếu thế giới rơi vào suy thoái sâu.