ASEAN từng bước phục hồi du lịch bền vững

Với các tiềm năng lớn, ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á.

Điểm đến du lịch chất lượng

Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia chia sẻ, ASEAN có tiềm năng trở thành điểm đến du lịch chất lượng, đặc biệt là với kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2015-2025 đang được thực hiện.

Theo đó, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng, mang đến trải nghiệm ASEAN đa dạng, độc đáo và cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp đáng kể vào phúc lợi kinh tế - xã hội của người dân ASEAN.

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, số khách du lịch đến ASEAN giảm mạnh. Năm 2020, ASEAN chỉ đón gần 28 triệu lượt khách (giảm 80,7% so với năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 43,1 tỷ USD (giảm 74,8% so với năm 2019). Năm 2021, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, số khách quốc tế đến và tổng thu từ du lịch giảm lần lượt 90,03% và 94,33% so với năm 2020.

Thực tế, du lịch là một nguồn thu và ngành tạo công ăn việc làm chính ở Đông Nam Á, với hơn 140 triệu du khách (chiếm khoảng 10% tổng số khách du lịch trên thế giới) đến khu vực này vào năm 2019. Do đó, các quốc gia ASEAN đang gấp rút hồi phục nhằm khuyến khích, thu hút du khách.

Kể từ tháng 4, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu chào đón khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ mà không yêu cầu kiểm dịch hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành. Hầu hết các địa điểm du lịch trong khu vực đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời.

nganh-du-lich-dang-duoc-ky-vong-se-tao-luc-day-manh-me-giup-thuc-day-nen-kinh-te-dang-gap-kho-khan-do-dai-dich-covid-19-cua-cac-quoc-gia-dong-nam-a-1657706085.jpgNgành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á. (Ảnh minh họa).

Đến nay, các nước ASEAN dần loại bỏ hầu hết các quy định phòng chống dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. 

Do đó, ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á.

Chiến lược marketing du lịch ASEAN

Để tìm kiếm giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19, các quốc gia ASEAN đã tổ chức hội nghị bàn tròn trực tuyến các Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 56, nhằm chia sẻ cách thu hút thêm nhiều du khách tới khu vực sau đại dịch cũng như tập trung bảo đảm sức khỏe, an toàn cho du khách trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến chủng mới. 

Trước những con số sụt giảm nghiêm trọng này, các quan chức du lịch ASEAN nhất trí tăng cường phối hợp để phục hồi nền kinh tế xanh khu vực theo kế hoạch hành động đã được phê duyệt hồi đầu năm nay, đồng thời phối hợp các ngành liên quan. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi ngành du lịch và khôi phục số lượng du khách về mức trước đại dịch.

Theo đó, các nước cùng thực hiện chiến lược marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với 3 trụ cột: Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn; Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp; Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Để hiện thực hóa mục tiêu, các nước ASEAN nhất trí phải phát triển đa dạng các dòng sản phẩm du lịch, các chiến dịch tiếp thị, cải thiện tiêu chuẩn du lịch và kết nối, áp dụng nhiều hệ thống kỹ thuật số giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, các nhà chức trách ASEAN sẽ làm việc với các đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường hoạt động du lịch, giúp du khách đi lại thuận tiện hơn.

Về phía mình, Việt Nam đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN và đang chủ trì dự án “Sản phẩm du lịch lễ hội”. Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức một hội thảo khu vực vào năm sau với chủ đề Du lịch lễ hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch”.

Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ tổ chức một hội thảo về việc triển khai thực hiện Chiến lược này ở Việt Nam, đồng thời đề nghị các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin về những câu chuyện thành công nhằm thúc đẩy sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng và khu vực tư nhân trong phát triển du lịch.

Đặc biệt, với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, du lịch được định hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ hơn trên thế giới và đã được giới thiệu, triển khai tại Việt Nam. 

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Đây là động lực quan trọng để ngành du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong thời gian qua. Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa lại hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch đã làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp để thống nhất về các quy trình thủ tục kiểm soát y tế, xuất nhập cảnh, thị thực, phương án đón và phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Với những nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu tiêm phòng vaccine; Không yêu cầu cách ly y tế; Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19; Không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh.

Sau đại dịch Covid-19, yếu tố bền vững, yếu tố xanh trong du lịch càng được coi trọng hơn trước. Nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn đã đi tiên phong trong du lịch xanh và bền vững, từ đó góp phần tạo ra xu hướng, làn sóng để toàn ngành phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, coi chất lượng môi trường, điểm đến làm tiêu chí sống còn tạo nên sức hấp dẫn. Đó là nền tảng vừa là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu chia sẻ: Thông điệp du lịch xanh thể hiện rõ nội hàm của du lịch bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam, coi trọng yếu tố cân đối; không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường. Trong ngành du lịch, sản phẩm du lịch xanh phát huy được thế mạnh yếu tố văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân, góp phần tạo diện mạo văn minh đô thị nông thôn. Du lịch xanh còn mang lại thông điệp hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ở điểm đến với du khách...

Lan Anh