Ba ngân hàng kiện chủ nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất để đòi nợ

Ba nhà băng tham gia vụ kiện đòi nợ liên quan hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất gồm OceanBank, PVComBank và Vietcombank.

Đây là thông tin được Công ty kiểm toán Deloitte nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Cụ thể, vụ kiện này là sự kiện phát sinh ngoài báo cáo tài chính của BSR năm 2021. Phía kiểm toán cho biết trong năm vừa qua, 3 ngân hàng (OceanBank, PVComBank, Vietcombank) cấp tín dụng cho Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR BF), là công ty con của BSR, đồng thời là chủ đầu tư nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đã khởi kiện BSR BF lên Tòa án Nhân dân TP Quảng Ngãi.

Vụ kiện này xuất phát từ các khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay khoảng 1.372 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay này là 1.218 tỷ, giảm so với giá trị tại thời điểm cuối năm 2020 là 1.291 tỷ đồng.

Phía kiểm toán cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, TAND TP Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện trên.

 
Bồn bể chứa các sản phẩm của nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.
  •  
  •  
null
Bồn bể chứa các sản phẩm của nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.

 

 

Được biết, Công ty BSR BF là một trong 2 công ty con của BSR cùng với Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí. Trong khi đó, BSR lại là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2009, PVN giao cho BSR triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. BSR sau đó giao lại cho công ty con là BSR BF triển khai.

Theo thiết kế ban đầu, dự án này được khởi công từ tháng 9/2009, công suất 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (tương đương gần 1.900 tỷ đồng). Đến tháng 3/2012, nhà máy đã cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, đến tháng 4/2015, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Dự án này cũng là một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương và thuộc diện cơ cấu lại nhiều năm qua.

Ghi nhận trong báo cáo tài chính của BSR, công ty này hiện nắm giữ 65,54% vốn của BSR BF, giá gốc khoản đầu tư là gần 206 tỷ đồng. Tuy nhiên, BSR đã phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư này.

tỷ đồngKẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA BSRDoanh thu thuầnLợi nhuận sau thuế20142015201620172018201920202021-25k025k50k75k100k125k150k
2019
Doanh thu thuần:102.824 tỷ đồng

BSR cho biết thực tế, giá trị gốc của khỏan đầu tư vào BSR BF trước xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP là 742,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã đánh giá, xác định giá trị tổn thất của khoản đầu tư này tương đương với giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn đã trích lập tại ngày 30/6/2018. Vì vậy, BSR đã dùng toàn bộ giá trị khoản dự phòng đã trích lập để bù đắp tổn thất tại thời điểm công ty chuyển đổi mô hình sang CTCP với số tiền là 536,4 tỷ. Do đó, báo cáo tài chính của BSR trình bày giá gốc của khoản đầu tư còn lại vào BSR BF là gần 206 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, BSR BF tiếp tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ.

BSR cũng cho biết hiện công ty con BSR BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Tính đến cuối năm 2021, BSR BF có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỷ đồng. Công ty đồng thời ghi nhận khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán 1.243 tỷ và 926 tỷ đồng nợ quá hạn.

Phía kiểm toán cho biết khả năng tiếp tục hoạt động của BSR BF sẽ phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy này cùng với các hỗ trợ tài chính từ cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.