Bắc Giang: Dự án “siêu nghĩa trang” và nỗi lo “đe dọa” môi trường

Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, thế nhưng kể từ khi UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt quy hoạch Khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng về số phận của hàng trăm ha rừng trước nguy cơ bị “nuốt trọn” bởi dự án; cùng với đó là nỗi lo về môi trường.
Bắc Giang: Dự án “siêu nghĩa trang” và nỗi lo “đe dọa” môi trường
Khu vực rừng sản xuất nơi xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam.

Người dân chưa đồng thuận việc lắp đặt lò hỏa táng

Theo tìm hiểu được biết, ngày 6/7/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/500).

Theo đó, vị trí khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ranh giới được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía Đông giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía Tây giáp đường trục xã Đông Hưng, quy hoạch ĐT293C.

Dự án có diện tích nghiên cứu khoảng 320ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 180ha, dự kiến chia làm 3 phân khu bao gồm: Phân khu A (công viên tâm linh) quy mô khoảng 20ha; Phân khu B (công viên nghĩa trang) quy mô khoảng 150ha; Phân khu C (công viên du lịch sinh thái) quy mô khoảng 10ha.

Là một vùng quê yên bình, cách khá xa so với trung tâm huyện, cuộc sống kinh tế của người dân chủ yếu gắn với trồng rừng sản xuất, do vậy khi nghe tin dự án sẽ có nguy cơ “xóa sổ” hàng trăm ha rừng xanh tươi và ảnh hướng tới môi trường sống, nhiều người dân thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng đã không khỏi lo lắng.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Ngân - Trưởng thôn Cai Vàng (xã Đông Hưng) cho biết, toàn thôn Cai Vàng hiện có 62 hộ dân và 30 hộ tạm trú (người có đất rừng, đất ở và làm vườn ở thôn Cai Vàng). Ngay từ khi có thông tin về dự án, thôn đã đề nghị UBND xã Đông Hưng triệu tập các cuộc họp, lấy ý kiến của nhân dân trong thôn. Trải qua nhiều cuộc họp, đã có nhiều ý kiến của người dân được ghi nhận, trong đó đa phần người dân không ủng hộ việc lắp đặt lò thiêu.

“Qua 5 cuộc họp có cả cơ quan chức năng xã, huyện và đơn vị tư vấn, quy hoạch. Trong cuộc họp đều có ý kiến trái chiều không đồng thuận, tỷ lệ tán thành cũng cao ủng hộ triển khai dự án nhưng phải bảo đảm môi trường không khí, nước thải. Trong các cuộc họp, người dân cũng tương đối đồng tình, chỉ không cho xây dựng lò thiêu vì lo ngại ảnh hưởng tới môi trường…”, bà Ngân cho biết.

Là một người dân đã sinh sống tại thôn Cai Vàng từ lâu, ông Phạm Văn Kì cho biết, khu nghĩa trang được xây dựng trên khu vực Cổng trời, nơi đây toàn bộ là đất rừng sản xuất do lâm trường Lục Nam quản lý.

“Những năm gần đây, việc trồng rừng cũng mang lại cho người dân chúng tôi nguồn kinh tế ổn định, nhờ trồng rừng mà cuộc sống của người dân cũng khấm khá và có của ăn của để hơn trước. Việc họ xây dựng nghĩa trang thì người dân cũng không phản đối, nhưng việc lắp đặt lò đốt, lò thiêu thì đa phần người dân không đồng thuận.

Cũng theo ông Kì, dù đã nhiều lần chính quyền tổ chức các cuộc họp và lấy ý kiến của người dân trong thôn, nhưng hiện nay 90-95% người dân chưa đồng thuận việc lắp đặt lò hỏa táng.

Bắc Giang: Dự án “siêu nghĩa trang” và nỗi lo “đe dọa” môi trường
Nhiều người dân thôn Cai Vàng chưa đồng thuận việc triển khai lắp đặt lò hỏa táng.

Liên quan tới dự án nêu trên, trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Trường Sinh - Chủ tịch UBND xã Đông Hưng cho biết, hiện xã cũng chỉ phối hợp với huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến của người dân. Đến thời điểm hiện nay chưa thấy có vấn đề nổi cộm.

“Với diện tích đất rừng như trên phải báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng nên cũng chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai, hiện chúng tôi vẫn chỉ tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến của người dân”, ông Sinh thông tin.

Cần đặc biệt chú ý tới việc xử lý nước thải

Theo tài liệu PV có được, ngày 02/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã có Văn bản số 1011/SNN-QLXDCT gửi Sở Xây dựng về việc tham gia thẩm định đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/500). Tại văn bản này, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề về diện tích đất thu hồi; đặc biệt đề nghị lưu ý tới việc xử lý nước thải do dẫn về điểm cuối là hồ Suối Nứa (hiện hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân).

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang kiến nghị cần bổ sung thuyết minh làm rõ sự phù hợp của diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp).

Về giải pháp quy hoạch nước thải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang yêu cầu bổ sung tính toán lại thủy lực để chọn đường ống mạng lưới nước thải. Ngoài ra cần đặc biệt chú ý đến nước thải sau khi xử lý sẽ đấu nối vào suối hiện trạng cần đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định và Luật Thủy lợi vì các suối hiện trạng sẽ đưa dẫn về điểm cuối là hồ Suối Nứa (hiện tại, hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân).

Nội dung Quy hoạch chi tiết liên quan đến đất rừng: Khu vực dự án quy hoạch hiện trạng có đất đồi núi tự nhiên là rừng sản xuất chiếm khoảng 177,6ha đề nghị chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các trình tự thủ tục dự án theo đúng quy định, đảm bảo thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo yêu cầu của Điều 20, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Mới thành lập nhưng đã tài trợ quy hoạch “khủng”

Được biết, đơn vị tài trợ lập quy hoạch cho dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam là Công ty Cổ phần Công viên tâm linh Tâm Điền – Tây Yên Tử.

Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 29/9/2021, có địa chỉ tại thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Vốn điều lệ của doanh nghiệp 200 tỷ đồng, ngành nghề chính đăng ký là kinh doanh bất động sản. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Quốc Toản (1994).

Bắc Giang: Dự án “siêu nghĩa trang” và nỗi lo “đe dọa” môi trường
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang yêu cầu đặc biệt lưu ý việc xử lý nước do có liên quan tới hồ Suối Nứa.

Đến ngày 14/10/2021, tức chỉ sau khoảng nửa tháng thành lập, Công ty Cổ phần Công viên tâm linh Tâm Điền – Tây Yên Tử đã có liên tiếp 2 công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, các sở ngành và UBND huyện Lục Nam về việc xin tài trợ 100% kinh phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 đối với: Khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; Khảo sát lập quy hoạch chi tiết khu Công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam.

Tiếp đó, đến ngày 20/11/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã hoàn thiện các bước, thủ tục và quyết định tiếp nhận tài trợ của doanh nghiệp đối với cả 2 dự án nêu trên.

Như vậy, dù chỉ mới thành lập nhưng Công ty Cổ phần Công viên tâm linh Tâm Điền – Tây Yên Tử đã được cho phép tài trợ quy hoạch 2 dự án có diện tích khủng. Trong đó riêng kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết Công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng là gần 3,7 tỷ đồng.