Bài 3: Bất chấp rủi ro, BIM Group ồ ạt huy động vốn trái phiếu đổ vào bất động sản

Từ đầu năm đến nay, BIM Group gây chú ý trong giới bất động sản với nhiều lần huy động vốn bằng trái phiếu với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro mà các doanh nghiệp bất động sản có thể gặp phải.

Ồ ạt huy động

Cuối tháng 12 năm ngoái, Cty CP bất động sản BIM (BIM Land – BIM Group) đã thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 1.000 tỷ đồng. Tính chất trái phiếu: Trái phiếu bằng Đồng Việt Nam, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản được phát hành riêng lẻ theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính Phủ về phát hành Trái phiếu doanh nghiệp, được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 09/07/2020 của Chính phủ.

Dự án Shoptel Phu Quoc Marina Square do BIM Group đầu tư xây dựng.
Dự án Shoptel Phu Quoc Marina Square do BIM Group đầu tư xây dựng.

Tới cuối tháng 3 năm nay, BIM Land cho biết, đã thành công huy động 1.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu nêu trên. Với số tiền kể trên, mục đích của BIM Land là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc đầu tư vào dự án Centara thông qua hình thức hợp tác kinh doanh hoặc một hình thức khác.

Lô trái phiếu này có mã BIM2023001, kỳ hạn 3 năm, được phát hành từ ngày 30/12/2020 - 15/3/2021. Đối với năm đầu tiên, lãi suất trái phiếu cố định ở 10%/năm. Các năm còn lại, lãi suất được thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 4%/năm.

Tại thời điểm phát hành, lô trái phiếu này được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất đối với 6 thửa đất tại phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thuộc sở hữu của BIM Hạ Long.

Trái chủ của lô trái phiếu được tiết lộ là một công ty chứng khoán. Được biết, tổ chức tham gia thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Tiếp đến, tháng 5 vừa qua, BIM Land thông báo phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu quốc tế đầu tiên của BIM Land niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375%, thời hạn 5 năm.

Đây cũng là trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green bond) đầu tiên của Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế. Đại diện BIM Land cho biết, trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền và được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá tín nhiệm B2 và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá tín nhiệm B.

Trái phiếu phát hành theo phương thức dựng sổ. Các ngân hàng tư vấn, thu xếp phát hành là Credit Suisse, Standard Chartered Bank và UBS. Ngân hàng Credit Suisse và UBS tư vấn về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và ngân hàng Standard Chartered tư vấn về trái phiếu xanh.

Chia sẻ trên trong một số bài báo, bà Bùi Thu Hà, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn BIM Group cho biết, việc thâm nhập thành công vào thị trường trái phiếu quốc tế giúp doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa các kênh huy động vốn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Trước đó, các kênh huy động của BIM Land gồm mạng lưới nhiều ngân hàng trong nước, các định chế tài chính lớn quốc tế như IFC, Credit Suisse và phát hành trái phiếu bán lẻ trong nước.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Tập đoàn BIM Group kiêm Tổng giám đốc BIM Land khẳng định, việc BIM Land phát hành thành công tại thị trường quốc tế giúp chứng minh các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia cuộc chơi huy động vốn trái phiếu quốc tế.

Theo thông tin công bố, vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được BIM Land sử dụng để phát triển các dự án bất động sản của công ty, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường.

Làm tới đâu, lùm xùm tới đó

Là một công ty con trực thuộc “đế chế” BIM Group của đại gia Đoàn Quốc Việt, tuy nhiên, nhiều dự án của BIM Land vướng không ít lùm xùm, tai tiếng.

Nhiều dự án của BIM Group vướng vi phạm về thủ tục triển khai, xây dựng.
Nhiều dự án của BIM Group vướng vi phạm về thủ tục triển khai, xây dựng.

Năm 2018, dự án Citadines Marina Hạ Long của doanh nghiệp này nổi sóng trong giới bất động sản và trên các mặt báo với việc huy động vốn trái phép, bán hàng chưa đủ điều kiện. Và sau đó là vụ tai nạn chết người đầy ồn ào trong quá trình thi công.

Từ tháng 5/2017, dự án Citadines Marina Hạ Long được BIM Group rầm rộ giới thiệu ra thị trường với những cam kết và chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn. Chính sách chia sẻ 85% lợi nhuận cho thuê phòng với cam kết của CĐT không thấp hơn 10% giá trị căn hộ mỗi năm trong 5 năm đầu tiên, khách hàng được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.

BIM Group thông qua hàng loạt sàn giao dịch uy tín đã “lách luật” chào bán căn hộ Citadines Marina Hạ Long và huy động vốn bằng các hợp đồng góp vốn. Tới khoảng giữa năm 2018 chủ đầu tư đã bán gần hết căn hộ tại tòa B, trong khi tòa A chỉ còn số lượng sản phẩm có hạn.

Thời điểm tháng 5/2018, Citadines Marina Hạ Long vẫn đang trong giai đoạn triển khai phần móng công trình. Đáng chú ý hơn vào thời điểm này dự án vẫn chưa hề có giấy phép xây dựng. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định, dự án Citadines Marina Hạ Long thời điểm đó chưa được Sở Xây dựng chưa cấp phép xây dựng. Dù vậy, chủ đầu tư có thi công một số cọc khoan dẫn và móng. Sau khi phát hiện việc làm trên, Thanh tra Sở đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công và xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng vì thi công không phép.

Vụ thi công “chui” chưa kịp lắng lại, dự án này lại xảy ra sự cố khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ. Thời điểm đó, Sở LĐTB&XH Quảng Ninh cho biết, 2 công nhân thiệt mạng do bị sập giàn giáo, tuổi đời khá trẻ (18 và 19 tuổi).

Tại một dự án khác của “nhà” BIM là Grand Bay Ha Long cũng đang vướng lùm xùm vì xây dựng dự án nhưng “quên” hạng mục nhà ở xã hội. Thậm chí, dự án này chưa cả được phê duyệt chủ trương đầu tư và thiếu đánh giá tác động môi trường nhưng BIM Group vẫn rầm rộ triển khai xây dựng.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 100/2015-CP đối với dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với trường hợp không phù hợp với quy hoạch thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Quy định là thế, nhưng thực tế, dự án Grand Bay Hạ Long của BIM Group không có hạng mục nhà ở xã hội?

Trong phê duyệt quy hoạch 1/500, hạng mục nhà ở xã hội đã bị biến mất tại dự án này. Cụ thể, trong danh mục sử dụng đất chỉ bao gồm: Đất ở (37,2%), Đất chung cư hỗn hợp DVTM (21,1%), Đất hỗn hợp thương mại dịch vụ (1,7%), Đất dịch vụ công cộng (3,1%), Đất cây xanh mặt nước (19,8%), Đất giao thông, HTKT khác (16,3%).

Ai đứng sau “đế chế” BIM Group?

Tập đoàn BIM có trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. BIM Group được thành lập từ năm 1994 bởi ông Đoàn Quốc Việt – một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan, trước khi trở về đầu tư trong nước.

Chân dung doanh nhân Đoàn Quốc Việt và con trai Đoàn Quốc Huy.
Chân dung doanh nhân Đoàn Quốc Việt và con trai Đoàn Quốc Huy.

Doanh nhân Đoàn Quốc Việt sinh năm 1955, tại Hà Nội. Sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Học viện Hàng không và Cơ học ứng dụng Đại học Bách khoa Warsaw, ông Việt không khởi nghiệp bằng nghề mình đã học mà chuyển hướng kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Ba Lan.

Đến năm 1994, ông Việt quay trở về Việt Nam để sinh sống và kinh doanh. Khách sạn tư nhân Hạ Long Plaza ra đời, mở đầu cho sự nghiệp của ông tại Việt Nam.

Ngày nay, BIM Group luôn được nhắc tới là doanh nghiệp đa ngành nghề. Tuy nhiên, tập đoàn tỷ đô này vẫn không tránh khỏi màu sắc “gia đình trị” trong hoạt động quản trị.

Ngay dưới “chướng” của bố - ông Đoàn Quốc Việt đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT là con trai – Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Huy sinh năm 1984, hiện còn là Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (công ty con của BIM Group).

Riêng mảng bất động sản, thương hiệu BIM Land được doanh nhân Đoàn Quốc Việt thành lập từ năm 2011, trụ sở cũng đặt tại thành phố Hạ Long.

Năm 2019, BIM Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 18,9 tỉ đồng, báo lãi sau thuế đạt 699 tỉ đồng, giảm 36,4% so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của BIM Land đạt trên 3.000 tỉ đồng.

BIM Group đã và đang phát triển quỹ đất rộng hơn 5,6 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận và Lào. Một số dự án lớn có thể kể đến như Hạ Long Plaza, Khu đô thị Halong Marina (248 ha), Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng (Quảng Ninh), Phu Quoc Marina (155 ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7 ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2 ha)…

BIM Group còn hợp tác cùng Tập đoàn Aeon Mall đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông có giá trị đầu tư hơn 190 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỉ đồng) tại Hà Nội.

Ngoài bất động sản, BIM Group của đại gia Đoàn Quốc Việt còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo (BIM Energy), nông nghiệp thực phẩm (BIM Food) và dịch vụ thương mại (BIM Lifestyle).