Thiếu vốn, nhiều dự án bất động sản “đóng băng”.
Theo đại diện Savills, “chúng ta đang trong giai đoạn với những chỉ số về nhân khẩu học đáng lạc quan. Đây là động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng...”. Đối với thị trường bất động sản (BĐS), cho dù rất khó khăn nhưng vẫn nhận được sự quan tâm lớn của người Việt Nam.
Ông MacGregor nhìn nhận niềm tin của người mua nhà đang giảm, cùng đó là những vướng mắc về khung pháp lý và nguồn vốn khan hiếm do siết tín dụng kéo theo tính thanh khoản sụt giảm, đồng thời chi phí xây dựng tăng lên. Nhưng đó rất có thể sẽ chỉ là ngắn hạn khi nhu cầu nhà ở đang rất lớn trong vòng 10 năm nữa.
Riêng với TPHCM, nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đang được phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực lớn cho các thị trường lân cận.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đang tìm cách tự “rã băng” cho chính mình. Có thể lấy ví dụ một số dự án ở khu vực phía Nam khi chủ đầu tư đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 90%. Nghĩa là nếu mua một căn hộ giá gốc 4,7 tỷ đồng, thì người mua giờ chỉ phải trả gần 2,9 tỷ đồng. Cách thức này cũng diễn ra tại Hà Nội khi nhiều dự án chung cư giảm giá bán từ 15-35% nếu người mua thanh toán vượt tiến độ đến 95%.
Để giảm bớt chi phí, hiện nhiều DN còn tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có DN giảm đến 50% lực lượng.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng cắt giảm chi phí, tinh giản bộ máy chỉ là giải pháp tạm thời, còn trong dài hạn DN cần nghĩ đến những giải pháp khác. DN phải xác định được chiến lược phát triển cụ thể, hiểu rõ chu kỳ lên xuống của thị trường.
Bàn về giải pháp “rã băng”, tìm nguồn vốn cho DN BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng các ngân hàng thương mại nên cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý, khi mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ), bởi lẽ nhiều năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, phải khẩn trương có giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn như: quỹ đầu tư, tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động... “Khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, giúp dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Bên cạnh đó cần hoãn nợ, hỗ trợ vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp” - ông Đính đặt vấn đề.
Nhận định thị trường BĐS năm 2023, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. Phân khúc nhà ở duy trì mức thanh khoản nhưng nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền người tiêu dùng. BĐS có tính chu kỳ, khi hết chu kỳ đi xuống sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên. Nếu qua được chu kỳ như thế thì sau đó là hái quả ngọt. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục phải cần một quãng thời gian đủ dài và có thể hết quý 1/2023 thị trường sẽ bước vào giai đoạn hồi phục.
Nhu cầu tìm mua nhà mặt phố tại TPHCM tăng 49%
Báo cáo thông tin về thị trường bất động sản năm 2022 vừa được Batdongsan.com.vn thực hiện ngày 16/12 tại TPHCM cho thấy, thực tế, BĐS khu vực miền Nam, đặc biệt là tại TPHCM đang chứng kiến lượng quan tâm tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc. Cụ thể: Trong quý 4/2022, lượt tìm mua BĐS tại TPHCM tăng 18% so với quý 1/2022, trong khi con số này của Hà Nội lại giảm 8%. Nhu cầu tìm thuê BĐS ở cả 2 thành phố đều có dấu hiệu hồi phục nhưng TPHCM hồi phục mạnh mẽ hơn, với mức độ quan tâm tới BĐS cho thuê tăng 103% so với đầu năm, trong khi Hà Nội tăng 63%. Cũng trong năm nay, nhà mặt phố và biệt thự là 2 loại hình BĐS bán có lượng quan tâm tăng cao tại TPHCM, số liệu của Hà Nội cũng cho thấy xu hướng tương tự.