Dưới áp lực bán ồ ạt ở tất cả các nhóm ngành, chỉ số chung “trượt dốc”, phá sâu ngưỡng được cho là đáy 1.000 điểm ngay sau khớp lệnh ATO và chốt phiên đầu tuần (24/10) giảm xuống còn 986,15 điểm. Với mức giảm 3.3%, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được xếp vào nhóm TTCK giảm mạnh nhất trong ngày. Đây cũng là số điểm thấp nhất của VN-Index trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Cuốn bay thành quả
Đồng thời, vốn hóa của sàn HoSE đã bị "bay" hơn 134.000 tỷ đồng chỉ sau một phiên, giá trị còn lại rơi về mức 3.934.048 tỷ đồng.
Áp lực bán tháo không dứt khiến VN-Index phá vỡ "đáy" 1.000 điểm. (Ảnh: Int)
Nhìn chung, đà giảm của VN-Index dường như không quá bất ngờ, bởi lẽ đã được giới phân tích cảnh báo.
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, cách giảm điểm mạnh trong phiên cuối tuần (21/10) khi đóng cửa khiến cho khả năng kiểm định lại mốc hỗ trợ 1.000 điểm có thể xảy ra ngay trong phiên hôm nay. Bởi đà bán tháo phiên cuối tuần qua cho thấy tâm lý thị trường bất ngờ chuyển sang hoảng loạn trở lại khi người cầm cổ phiếu bán bằng mọi giá.
Dưới góc nhìn của TVSI, xung lực bán mạnh sẽ gây khó khăn cho mốc hỗ trợ tâm lý của VN-Index ở 1.000 điểm.
Còn Chứng khoán SSI nhận định, nhiều khả năng VN-Index sẽ kiểm định vùng đáy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.000 điểm và nhiều khả năng chỉ số sẽ kiểm định lại các vùng hỗ trợ phía dưới, như 989 điểm.
Trước đó, trong tuần qua (17-21/10), VN-Index đã trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực khi chỉ số chung giảm mạnh trong phiên cuối tuần (21/10) về mốc 1.019 điểm với hàng trăm mã giảm sàn.
Những tưởng sau nhịp hồi phục trong tuần trước đó (10-14/10), thị trường đã có thể chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài triền miên từ đầu tháng 9, nhưng “cú bước hụt” vào phiên 21/10 đã cuốn bay gần hết thành quả của nhịp hồi kể từ khi nhúng xuống ngưỡng 1.000 điểm. Đồng thời đưa TTCK Việt nằm trong nhóm các thị trường thế giới có mức giảm mạnh nhất.
Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán đã khiến hàng loạt cổ phiếu “lao dốc” mạnh, thậm chí không ít Bluechips còn thủng đáy dài hạn. Cùng với đó, vốn hóa doanh nghiệp cũng giảm sâu.
Theo số liệu chốt ngày 21/10/2022, trên cả “tam sàn” có tổng cộng 42 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 24.560 tỷ đồng), giảm 22 doanh nghiệp so với thời điểm đầu tháng 4 và hụt 17 doanh nghiệp so với đầu năm 2022. Đáng chú ý, sau khi Thaiholdings (THD), KSFinance (KSF) và Idico (IDC) lần lượt rời nhóm, HNX chính thức “sạch bóng”, không còn đại diện nào trong danh sách này.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể thấy, TTCK Việt Nam không ngừng sụt giảm mạnh, thậm chí không ít lần giảm mạnh nhất khu vực và thế giới, đi ngược với các con số vĩ mô tăng trưởng tích cực. Sau tháng 9 giảm mạnh nhất trong 30 tháng kể từ khi xuống đáy Covid, VN-Index tiếp tục mất thêm gần 10% từ đầu tháng 10 và rơi xuống sát đáy cũ. Tính từ đầu năm, chỉ số này đã mất hơn 32% và nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới.
Về cơ bản, GDP là số liệu quá khứ còn chứng khoán lại phản ánh kỳ vọng trong tương lai. Vì vậy, sự lệch pha là khó tránh khỏi. TTCK thường phản ứng nhanh hơn, thậm chí trước các biến cố lớn, đặc biệt với đặc thù nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 90% cơ cấu thị trường và các quyết định bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Trong khi đó, một số biến cố trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng không đáng kể hoặc có một độ trễ nhất định và cần thời gian để phản ánh lên nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc, dẫn tới một lượng tiền không nhỏ rút ra khỏi TTCK để quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc chuyển dịch sang kênh đầu tư khác khi định giá các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng. Đây là một phần nguyên nhân khiến TTCK sụt giảm trong khi GDP vẫn tăng trưởng cao trên nền so sánh thấp cùng kỳ.
Đánh giá về riêng phiên giảm cuối tuần qua, giới phân tích chỉ ra những nguyên nhân sau.
Trước hết, tỷ giá USD/VND tăng cao trong các tuần gần đây, lên sát mốc 25.000 đồng/USD dẫn tới áp lực rút vốn từ khối ngoại. Thông thường, khi tỷ giá tăng, chỉ một số nhóm ngành có thể sẽ được hưởng lợi, còn hầu hết thị trường chung sẽ bị ảnh hưởng (do tăng giá vốn, chi phí tài chính,…).
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường của Chứng khoán VNDirect , mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới biên độ dao động tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%, nhưng áp lực tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc tỷ giá căng thẳng đã khiến khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm sâu.
“Tâm lý nhà đầu tư chuyển biến tiêu cực trong phiên thứ 6 vừa qua do ảnh hưởng từ việc khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh tại một số cổ phiếu trụ và những tin đồn lan truyền trên các hội nhóm đầu tư”, ông Hinh nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đã xuất hiện một số thông tin về việc hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu của các tổ chức phát hành . Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đối trầm lắng từ đầu tháng 10, điều này đã dấy lên lo ngại về áp lực thanh toán sẽ xuất hiện trong giai đoạn tới, nhất là nhóm bất động sản, cùng với đó nhóm ngân hàng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Bối cảnh nhiều những thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi đến hạn, thậm chí bán tháo tài sản để lo thanh khoản,… đã phủ bóng đen lên thị trường, bất chấp mùa kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận nhiều điểm tích cực", Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá.
Xét về yếu tố kỹ thuật, khi lượng cung cổ phiếu trong giai đoạn thị trường giảm điểm còn khá lớn trong khi lực cầu tham gia vẫn chưa đủ do các thông tin thị trường kém tích cực sẽ dẫn tới điểm số thị trường sẽ điều chỉnh đáng kể khi áp lực bán dâng lên.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS đánh giá, áp lực tâm lý vẫn là yếu tố chi phối thị trường. Mặc dù bối cảnh vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường, song TTCK là kỳ vọng về tương lai nên cần nhìn xa hơn.
“Nhà đầu tư không nên quá vội vàng bán cổ phiếu. Bởi nếu giao dịch theo những tin đồn chưa được xác thực sẽ rất dễ đưa ra quyết định sai lầm và người thiệt hại cuối cùng vẫn là nhà đầu tư”, ông Tuấn khuyến nghị.