Bắt mạch nền kinh tế để tránh rủi ro thị trường tài chính

Sau sự càn quét của đại dịch Covid-19, giờ đây là lúc hệ thống tài chính trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bất cứ một sai lầm nào dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

18-1-1656472894.jpg

Hệ thống tài chính tín dụng được ví như hệ tuần hoàn, cơ bản giúp huy động vốn từ các đối tượng có nguồn lực nhàn rỗi để bơm vào các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhằm tạo ra lợi nhuận, như những mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương, khu vực hay quốc gia tăng trưởng. Nói như vậy để thấy rằng bất cứ một điểm nào trong hệ thống tài chính bị tắc nghẽn thì nền kinh tế sẽ có hiện tượng “thiếu máu” gây ra rất nhiều trục trặc. Trong khi đó, việc “bơm máu” dù nhiều nhưng không đúng chỗ, đúng lúc cũng khiến cho cả “cơ thể” của nền kinh tế gặp rất nhiều vấn đề trục trặc.

Đối với một nền kinh tế đang suy kiệt sau đại dịch, việc lưu thông tuần hoàn máu huyết để bơm vào đầy đủ và đúng lúc là điều cần thiết. Tuy nhiên, để vạch ra một chiến lược hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả cho ngành tài chính, bắt mạch các vấn đề của nền kinh tế và lường trước những rủi ro tiềm ẩn nhằm có biện pháp phòng bị là điều nên được thực hiện.

Không một tổ chức nào có thể hiểu thị trường vốn và thực trạng hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch hơn các NHTM. Việc thiết kế và thực thi các chính sách tín dụng có thể được xây dựng theo hướng từ dưới lên với sự tham gia của các NHTM.

Nền kinh tế sau đại dịch cần gì ở hệ thống tài chính?

Tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế là điều không thể chối cãi, những ảnh hưởng vẫn có thể tiếp tục kéo dài và sự hồi phục sẽ có độ trễ nhất định. Đặc điểm của nền kinh tế sau đại dịch đó là nhiều doanh nghiệp bị tàn phá nặng nề sau thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng; những dòng vốn tháo chạy vì tâm lý lo lắng và mất niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng thị trường quay trở lại bình thường và phát triển; một phần không nhỏ người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc giảm thu nhập; đa phần người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu; thị trường bị co cụm lại đến mức có thể bị bóp nghẹt. Trong khi đó, nguồn lực của khu vực công lại hạn hẹp do vừa phải sử dụng để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi vẫn còn rất nhiều tồn tại cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trước.

Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm bên trên vẫn còn có những điểm sáng mà trong giai đoạn bình thường chưa chắc gì nền kinh tế có được. Sức mạnh tinh thần khởi nghiệp sau dịch trở nên mạnh hơn bất cứ giai đoạn nào khác. Khi đại dịch qua đi, nền kinh tế có khuynh hướng trả về lại như ban đầu khi mà tất cả doanh nghiệp có cơ hội một lần nữa bước vào điểm xuất phát. Lúc này, những công ty nhỏ, những dự án khởi nghiệp sẽ có thêm niềm tin vào khả năng vượt lên chiếm lĩnh vị trí của mình trên thị trường. Lợi thế của người đi đầu một lần nữa lại là phần thưởng cho những doanh nghiệp dám vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển. Người tiêu dùng sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng sẽ có khuynh hướng trân trọng và đề cao những giá trị thực trong cuộc sống, họ có thể sẽ tiêu dùng ít hơn nhưng đó sẽ là quyết định tiêu dùng khôn ngoan, một sự lựa chọn những sản phẩm thiết yếu và có chất lượng. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có uy tín, những thương hiệu gắn liền với chất lượng và tính cam kết cao, khẳng định bản thân trên thị trường.

Vấn đề không phải là siết chặt hay thả lỏng tín dụng mà là làm sao để nới room dòng tiền chảy đến những hoạt động, dự án kinh doanh hiệu quả và có khả năng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Tài chính phát triển sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, tuy nhiên, trong giai đoạn hậu đại dịch, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở nhận định này. Thị trường tài chính vừa có vai trò như cú huých, thúc đẩy những ngành nghề cốt lõi bật lên, khởi động lại năng lượng lưu thông cả bộ máy, vừa có nghĩa vụ bôi trơn làm cho các hoạt động vận hành, bổ trợ được diễn ra một cách suôn sẻ. Để làm được điều đó, các định chế tài chính cần có đủ năng lực để sàng lọc và hỗ trợ các dự án thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tham gia vào quá trình giao dịch giúp các hoạt động mua bán trên thị trường diễn ra dễ dàng, hiệu quả lại tiết kiệm chi phí cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Dù là nền kinh tế sau dịch đang rất cần nguồn vốn để khởi động và tăng trưởng, nhưng nguồn lực không phải là vô hạn, do đó, hệ thống tài chính cũng cần phải có khả năng bơm vốn vào đúng những nơi cần được ưu tiên để kích hoạt nền kinh tế. Những ngành sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, những ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và những ngành có thể đẩy mạnh xuất khẩu rất cần được ưu tiên hỗ trợ vốn để phục hồi. Các ngành này có đặc điểm tạo ra nhu cầu tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu nguồn vốn không được cung ứng kịp thời và hiệu quả cho những lĩnh vực cần ưu tiên thì thời gian vàng để phục hồi và phát triển nền kinh tế sẽ mau chóng qua đi, trong khi đó, những thách thức tiếp theo sẽ tiếp tục đổ xô đến.

Tuy nhiên, việc giải ngân ồ ạt nguồn vốn ra nền kinh tế cũng không hẳn là giải pháp tốt, giải ngân đúng chỗ đúng lúc mới là căn nguyên giải quyết vấn đề. Rất nhiều doanh nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ vốn sẽ có độ trễ trong phục hồi. Nếu ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn cứ tùy tiện được bơm vào thị trường thì hệ thống ngân hàng sẽ không còn nguồn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi trễ hơn trong tương lai. Hơn nữa, khi thị trường xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, lạm phát từ các nước khác sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam gây khó khăn cho hoạt động tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế. Một khi lạm phát tăng cao nhưng doanh nghiệp lại không có đủ nguồn vốn để sản xuất nhằm tạo ra hàng hóa để cân đối với nguồn tiền đang tràn ngập kênh lưu thông, một hiện tượng nguy hiểm nữa sẽ xảy ra, đó chính là đình lạm.

Hệ thống tài chính nên làm gì?

Vấn đề không phải là siết chặt hay thả lỏng tín dụng mà là làm sao để nới room dòng tiền chảy đến những hoạt động, dự án kinh doanh hiệu quả và có khả năng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giải trình, chứng minh dòng vốn giải ngân để đảm bảo tín dụng được cung ứng đúng đối tượng cần ưu tiên, nếu đáp ứng được điều đó thì NHNN có thể mở room cho những NHTM giải ngân hiệu quả. Ngoài ra, để rút ngắn độ trễ của phục hồi thông qua khuyến khích các doanh nghiệp tốt, các ngành nghề cần ưu tiên nhanh chóng quay trở lại đường đua thì NHNN có thể đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn được áp dụng trong một giai đoạn nhất định.

Trong điều kiện bình thường, các NHTM vẫn được xem như một loại hình doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, đóng vai trò định chế trung gian tài chính, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp hiệu quả cho việc điều phối nguồn vốn hay lưu thông các dòng tiền. Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn như hiện nay thì các NHTM cần nỗ lực thực hiện vai trò công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô của Nhà nước, chủ động đề ra giải pháp hay tích cực tham gia xây dựng cơ chế giúp hệ thống tài chính có thể bơm vốn hiệu quả. Có lẽ không một tổ chức nào có thể hiểu thị trường vốn và thực trạng hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch hơn các NHTM. Chính vì vậy, việc thiết kế và thực thi các chính sách tín dụng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế có thể được xây dựng theo hướng từ dưới lên với sự tham gia của các NHTM, đặc biệt là những ngân hàng có thị phần lớn và giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Tất nhiên cũng cần có chế tài để các NHTM thực sự có động cơ đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên lợi ích của họ.

Trong thời gian đại dịch đang bùng phát, các chính sách chống dịch đa dạng và được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực hay từng ngành nghề, nhóm người. Giờ đây đối với thị trường tài chính, NHNN cũng nên có những chính sách dạng như vậy. Lãi suất vay không nên chỉ có một mức chung cho tất cả các hoạt động kinh tế như trong giai đoạn bình thường mà nên áp dụng chính sách linh hoạt, cung cấp vốn với lãi vay thấp hơn ở những mức độ khác nhau và/hoặc có kèm thêm một số chính sách ưu đãi đối với các ngành cần  ưu tiên bơm vốn để các ngành đó có đủ động lực phục hồi và phát triển nhanh chóng, thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên.