Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Nỗi sợ của cử tri và vòng xoáy bầu cử

09/11/2022 12:12

Một số cử tri Mỹ chia sẻ lý do cho lựa chọn bầu cử của họ. Nhưng kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ khó có thể được biết sớm.

Các điểm bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã đóng cửa vào lúc 18h ngày 8/11 (giờ địa phương). Kết quả cuộc bầu cử sẽ xác định liệu Đảng Cộng hòa có giành được quyền kiểm soát Quốc hội hay không, và nếu điều này xảy ra, họ sẽ có quyền chặn phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden trong 2 năm tới.

Bị thúc đẩy bởi các lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và tội phạm, các cử tri Mỹ sẽ cho thấy một kỷ nguyên chính phủ chia rẽ ở Washington, bất chấp những cảnh báo từ Đảng Dân chủ về sự xói mòn quyền phá thai và sự phá hoại các chuẩn mực dân chủ.

Một cuộc thăm dò ý kiến sau cuộc bầu cử giữa kỳ do Edison Research thực hiện cho thấy lạm phát và phá thai là những vấn đề hàng đầu mà cử tri quan tâm, với 3 trong số 10 người Mỹ coi lạm phát là vấn đề quan trọng nhất chi phối lá phiếu của họ.

Nhiều cử tri cho biết họ thất vọng với cách chính quyền ông Biden tại kiểm soát lạm phát, vốn đang ở mức 8,2% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

“Nền kinh tế thật khủng khiếp. Tôi cho đó là lỗi của chính quyền hiện tại”, cử tri Bethany Hadelman cho biết, tiết lộ thêm rằng bà đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa ở Alpharetta, bang Georgia.

Thế giới - Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Nỗi sợ của cử tri và vòng xoáy bầu cử

Nhiều người tụ tập ở một quán bar ở thủ đô Washington DC tối ngày 8/11/2022 (giờ Mỹ), theo dõi một số kết quả bầu cử được công bố sớm. Ảnh: CNN

Nỗi sợ hãi về tội phạm gia tăng cũng là một yếu tố ngay cả ở những khu vực thiên tả như New York, nơi Thống đốc Đảng Dân chủ đương nhiệm Kathy Hochul phải đối mặt với thách thức khó khăn từ đối thủ Đảng Cộng hòa là Lee Zeldin.

“Ở chỗ chúng tôi tội phạm liên tục lặp lại tội ác. Chúng bị tống vào tù hôm nay, nhưng lại được ra tù ngay ngày hôm sau, thậm chí chỉ vài giờ sau”, cử tri John Delsanto, một trợ lý pháp lý 35 tuổi, cho biết. Delsanto cũng cho biết anh đã bỏ phiếu cho ông Zeldin.

Tuy nhiên, có những lo ngại khiến một số cử tri nghiêng về Đảng Cộng hòa lại đưa ra quyết định khá phức tạp. Ví dụ, cử tri Henry Bowden, một luật sư 36 tuổi ở Atlanta, bang Georgia, cho biết anh đã bỏ phiếu cho cả các ứng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.

“Tôi đã cố gắng không bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên Đảng Cộng hòa nào đang quá thân cận với ông Trump và tất cả những ai từ chối công nhận kết quả bầu cử. Tôi đã rất mệt mỏi vì điều đó”, Bowden chia sẻ.

Kết quả cuối cùng khó có thể được biết sớm.

Theo dữ liệu từ Dự án Bầu cử Hoa Kỳ (U.S. Election Project), trang web theo dõi cử tri đi bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử ở Mỹ, hơn 46 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trước Ngày Bầu cử (8/11), qua thư hoặc trực tiếp, và các quan chức bầu cử tiểu bang cảnh báo rằng sẽ mất thời gian để kiểm đếm tất cả các lá phiếu đó.

Có khả năng phải sau cuộc bầu cử nước rút ở bang Georgia vào ngày 6/12 mới biết được quyền kiểm soát Thượng viện thuộc về đảng nào.

Thế giới - Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Nỗi sợ của cử tri và vòng xoáy bầu cử (Hình 2).

Kết quả thăm dò bầu cử giữa kỳ Mỹ do Đài CNN thực hiện cho thấy số ghế mà Đảng Dân chủ (màu xanh lam) và Đảng Cộng hòa (màu đỏ) giành được tại Hạ viện (ở trên) và Thượng viện (ở dưới), tính đến 10h ngày 9/11/2022 (giờ Hà Nội)

Tại Quốc hội Mỹ, nếu Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, họ sẽ có thể ngăn chặn các dự luật giải quyết các ưu tiên của Đảng Dân chủ như quyền phá thai và biến đổi khí hậu. Đảng Cộng hòa cũng có thể bắt đầu cuộc tranh cãi về mức trần nợ công, điều có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và khởi động các cuộc điều tra về chính quyền và gia đình ông Biden.

Đảng Cộng hòa cũng sẽ có quyền chặn viện trợ cho Ukraine nếu họ giành lại được quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ, nhưng các nhà phân tích cho rằng họ có nhiều khả năng chỉ làm chậm hoặc cắt giảm dòng viện trợ quốc phòng và kinh tế.

Nếu Đảng Cộng hòa thành công chiếm đa số tại Thượng viện, họ sẽ có ảnh hưởng đối với các đề cử tư pháp của ông Biden, bao gồm bất kỳ vị trí trống nào của Tòa án Tối cao.

Vòng xoáy bầu cử

Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11/2024, nhưng ngay từ bây giờ khi cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 kết thúc cũng là lúc đánh dấu điểm khởi đầu không chính thức của cuộc đua vào Nhà Trắng, với việc các ứng cử viên từ lưỡng đảng bắt đầu tìm cách xây dựng động lực.

Các câu hỏi vẫn còn tồn tại về việc liệu đương kim Tổng thống Biden, 79 tuổi, có chọn tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Nếu ông Biden chọn không đi tiếp, Đảng Dân chủ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về ứng cử viên tiềm năng khi không có gương mặt nào có lợi thế nổi trội.

Thế giới - Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Nỗi sợ của cử tri và vòng xoáy bầu cử (Hình 3).

Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: SCMP

Về phía Đảng Cộng hòa, có tin đồn xoay quanh việc ông Donald Trump, 76 tuổi, có thể tuyên bố tranh cử Tổng thống lần thứ ba trong vòng vài ngày tới. Nếu ông Trump không tranh cử, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis – người thành công giữ ghế của mình trong cuộc bầu cử vừa xong – có thể sẽ lên tuyến đầu.

Khi được hỏi liệu ông có định công bố tranh cử vào năm 2024 hay không, ông Trump nói: “Tôi nghĩ thứ Ba (ngày 15/11) sẽ là một ngày rất thú vị đối với rất nhiều người”.

Bạn đang đọc bài viết "Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Nỗi sợ của cử tri và vòng xoáy bầu cử" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#