Ông Phan Trọng Lân thông tin, tại Việt Nam, 2 tháng qua đã ghi nhận 142.000 ca mắc Covid-19, tỉ lệ chết/mắc giảm thấp. “Hiện nay, biến thể phụ phụ BA.2 của Omicron vẫn chiếm ưu thế. Mới đây, qua giải mã trình tự gene đã phát hiện biến thể phụ BA.5 xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đã được cảnh báo trước đó, việc xâm nhập chủng mới là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh thế, thực hiện bình thường mới. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của các biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Lân thông tin.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Qua các giai đoạn dịch bệnh, có thể thấy dịch trở nên nặng hơn với các biến thể lây lan nhanh kèm tăng nguy cơ nhập viện (như biến thể Delta) khi các chiến lược áp dụng trong các đợt dịch trước phát huy hiệu quả không cao như mong đợi.
“WHO cho biết hiện nay số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, châu Phi, các biến thể mới, biến thể phụ mới tiếp tục xuất hiện trên thế giới. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm.
Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây.
Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Để phòng, chống Covid-19 vắc xin vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trong thời gian tới”, ông Lân nhấn mạnh.
Ông Ánh Dương, Cục Phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, công văn ngày 5/4/2022 cũng công bố kết luận của Thủ tướng khẳng định hiệu quả vắcxin phòng chống Covid-19.
“Chúng ta có thể phân tích các con số để thấy hiệu quả vắc xin”, ông Dương nói. Theo đó, từ 27/4/2021 đến nay, cả nước ghi nhận trên 32 nghìn ca tử vong do Covid-19. Con số này phân tích ra những người được tiêm vắc xin và chưa tiêm như sau:
Trên 32 nghìn người tử vong do Covid-19 chỉ 7,3% tiêm đủ liều vắc xin. Số tiêm 1, 2 mũi vắc xin chiếm 29,8%. Số chưa tiêm vắc xin lên tới 52,8%. “Qua con số này chúng ta có thể thấy được hiệu quả của vắc xin”, ông Dương nói.
“Thời điểm trước, chúng ta chưa đủ vắc xin bao phủ, đặc biệt trong đợt dịch tại TP.HCM vì vậy số ca tử vong cao. Ngay khi có vắc xin, chúng ta nên cố gắng tiêm đầy đủ”, ông Dương nói thêm.
Cũng theo ông Dương, đến nay, thời điểm chúng ta tiêm mũi thứ 3 hiệu quả của nó đã suy giảm. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ, hiệu quả tiêm mũi 3 vắc xin có tác dụng trong 3 tháng, sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm đi nhiều. Sau đó giảm dần, thậm chí, chỉ còn 10-20%.
Vì vậy, hiện, việc tiêm mũi 4 là rất cần thiết. Ông Ánh Dương cũng đưa kết quả nghiên cứu của một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, công bố hiệu quả mũi thứ 4 có 5 cấp độ bảo vệ khỏi các triệu chứng gây ra Covid-19. Theo đó, mũi vắc xin thứ 4 bảo vệ nguy cơ nặng nguy kịch là 60%. “Rất nhiều quốc gia đi đầu đã tiến hành tiêm mũi thứ 4 và đưa ra kết quả này”, ông Dương khẳng định.