Theo Bloomberg, biến thể Omicron đã giáng đòn vào triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2022. Biến thể virus mới có khả năng làm chệch hướng kế hoạch đối phó với tình trạng lạm phát của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu.
Việc áp đặt các hạn chế di chuyển sẽ làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo NTV, Nhật Bản có khả năng cấm nhập cảnh tất cả du khách nước ngoài nhằm kiềm soát sự lây lan của virus.
Tương lai của nền kinh tế và các thị trường tài chính sẽ phụ thuộc vào những phát hiện mới của giới khoa học về biến thể virus mới, bao gồm khả năng kháng vaccine và lây truyền của chủng Omicron.
Cuối tuần qua, các thị trường tài chính trên khắp thế giới đồng loạt sụt giảm khi giới đầu tư phản ứng với thông tin về biến thể virus mới tại Nam Phi.
Sự xuất hiện của biến thể virus mới khiến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn. Ảnh: Reuters.
Làm tổn hại nhu cầu
Trong trường hợp xấu nhất, giới chức trên toàn cầu phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus lây lan. Điều đó sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang căng thẳng, đồng thời làm tổn hại đến nhu cầu.
Giới quan sát cảnh báo về tình trạng đình lạm, tức lạm phát tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. đã chỉ ra bốn khả năng, trong đó, làn sóng lây nhiễm lớn trong quý I/2022 có thể khiến tăng trưởng toàn cầu còn 2%, giảm 2,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Mức tăng trưởng cả năm là 4,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo.
Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, điều đó sẽ xảy ra nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và các hạn chế di chuyển xuyên biên giới kéo dài thêm một năm nữa
Bà Alicia Garcia Herrero tại Natixis SA
Trong một kịch bản khác, biến thể mới không nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của chủng Omicron vẫn là lời nhắc nhở về mối đe dọa của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, điều đó sẽ xảy ra nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và các hạn chế di chuyển xuyên biên giới kéo dài thêm một năm nữa", bà Alicia Garcia Herrero tại Natixis SA bình luận.
Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc, các nước khác trên thế giới đều lưỡng lự trong việc trở lại tình trạng phong tỏa. Nhờ tiêm chủng rộng rãi, những biện pháp hạn chế được áp dụng ở châu Âu đã linh hoạt hơn và ít gây tổn hại tới tăng trưởng.
"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi với những biện pháp hạn chế và khóa cửa. Do đó, mức độ ảnh hưởng có thể bớt nghiêm trọng hơn", ông Rob Subbaraman - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc. - nhận định.
Cản đường phục hồi
Tuy nhiên, theo ông Mickey Levy - chuyên gia kinh tế tại Berenberg Capital Markets, nếu biến thể lan rộng, “đà tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế có thể chậm lại”.
Trước khi biến thể mới xuất hiện, một số nhà kinh tế cho rằng nhu cầu sẽ chuyển sang các dịch vụ như giải trí, đi lại và du lịch. Nhưng xu hướng đó có thể bị trì hoãn, làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi vốn đã không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu.
Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo đà phục hồi của nền kinh tế đang mất đà và ngày càng thiếu đồng đều. Theo dự báo của IMF, GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, thậm chí cao hơn 0,9% trong năm 2024.
Tuy nhiên, đến năm 2024, những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thể quay lại như thời kỳ trước đại dịch.
Trước sự xuất hiện của biến thể virus mới, giới quan sát cảnh báo về tình trạng đình lạm, tức lạm phát tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc. Ảnh: Reuters.
Một thách thức khác đối với các nhà hoạch định chính sách là so với năm ngoái, họ sẽ có ít dư địa để tung ra những biện pháp kích thích kinh tế hơn.
"Trong trường hợp biến thể mới không gây ra bất cứ tác động tiêu cực nào, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng tốc kế hoạch cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản", ông Levy nhận định.
"Nhưng sự không chắc chắn do biến thể mới gây ra có thể khiến FED trì hoãn kế hoạch", ông nói thêm.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Luis de Guindos cho rằng “những tác động lên nền kinh tế sẽ ít hơn so với năm ngoái”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự xuất hiện của biến thể Omicron là một lời cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Có một điều chắc chắn là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Các nhà kinh tế cần cẩn thận hơn trong việc đưa ra dự báo kinh tế trong năm 2022", ông Subbaraman cảnh báo.