Bộ GD&ĐT thông tin về kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử thành bắt buộc ở bậc THPT

Bộ GD&ĐT đã thông tin cụ thể về kế hoạch điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT từ lựa chọn sang có phần nội dung bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 12/7, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã giải thích cụ thể hơn về kế hoạch điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT từ lựa chọn sang có phần nội dung bắt buộc, theo Tuổi trẻ.

Theo đó, bộ GD&ĐT đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 ban hành chương trình giáo dục phổ thông, trong đó môn lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bộ GD&ĐT sẽ chuyển phần chủ đề môn lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên lịch sử hiện nay.

bo gddt sua mon lich su thanh bat buoc 1
Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ.

Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn lịch sử).

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn lịch sử).

"Chương trình môn Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành", ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (bộ GD&ĐT) trao đổi với Vietnamnet.

Để kịp thời triển khai năm học 2022 - 2023, bộ GD&ĐT đang thực hiện theo kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Trước đó, bộ GD&ĐT đã ký ban hành kế hoạch triển khai chương trình lịch sử. Theo kế hoạch này, bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai rà soát, chọn lọc, xây dựng chương trình lịch sử theo hướng điều chỉnh trên, soạn thảo tài liệu hướng dẫn thực hiện, tổ chức hội thảo xin ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, giáo viên, tập huấn cho cán bộ, giáo viên để triển khai chương trình này.

"Việc bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có môn Lịch sử (70 tiết/năm học) đã được tổ chức thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai năm học 2022 - 2023. Đến nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên đã bảo đảm năng lực để thực hiện.

Tuy nhiên, để giáo viên nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh; giúp nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học đạt hiệu quả, bộ GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện để nắm chắc hơn và kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.