Bộ GTVT ban hành thông tư có dấu hiệu trái quy định pháp luật

Một nhân viên hàng không có thể vừa bị xử lý kỷ luật lao động đặc thù theo Thông tư số 46 và vừa bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa thực hiện kiểm tra Thông tư số 46/2013 của bộ trưởng Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, trong đó phát hiện một nội dung được quy định ở thông tư có dấu hiệu trái pháp luật.

Cụ thể, Điều 3, Điều 6 Thông tư số 46 quy định chế độ kỷ luật lao động đặc thù ghi rõ: “Không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với người lao động có một trong các hành vi sau:

Cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng; bị kết án trong các vụ án hình sự; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác trong quy định”.

Theo hướng dẫn tại Công văn số 2202/2014 của Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 46 quy định: Khi xử lý kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không không thay thế các hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên hàng không theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp nhân viên hàng không vi phạm tới mức phải áp dụng các hình thức kỷ luật theo Bộ luật Lao động thì đơn vị phải thực hiện các bước xét kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động.

Như vậy, một nhân viên hàng không có hành vi vi phạm có thể vừa bị xử lý kỷ luật lao động đặc thù theo Thông tư số 46 và vừa bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nhân viên hàng không làm việc ở sân bay. Ảnh minh họa: V.LONG

Nhân viên hàng không làm việc ở sân bay. Ảnh minh họa: V.LONG

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động thì trong các hình thức kỷ luật lao động không có hình thức nào là không sử dụng lao động vi phạm kỷ luật lao động (tại một vị trí công việc nào đó trong một lĩnh vực, ngành nghề), đồng thời không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

Người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định còn có thời hạn cấm. Người bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính sau một thời gian chấp hành theo quy định và đáp ứng một số điều kiện nhất định còn được xóa án tích và coi như chưa bị kết án hoặc được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Khi không còn án tích hay được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì công dân có quyền tiếp cận việc làm, được đối xử bình đẳng như những công dân khác.

Thông tư số 46/2013 quy định hình thức kỷ luật không cho người lao động làm việc với vị trí nhân viên hàng không tại bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng khi có một trong các hành vi như quy định tại Điều 6, không quy định thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật và áp dụng đồng thời với các hình thức kỷ luật khác của Bộ luật Lao động là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Để rõ hơn tính pháp lý, theo nguồn tin của PV trong tuần này Cục Kiểm tra văn bản sẽ họp với Bộ GTVT và Bộ LĐ-TB&XH để trao đổi về tính pháp lý của thông tư trên.