Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ một số nội dung về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng ngày 29/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QH

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành và phát triển thị trường vốn phục vụ cho phát triển kinh tế.

Các đại biểu đã trao đổi về các nội dung của hợp đồng bảo hiểm, các điều khoản liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm vi mô...

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Về việc cung cấp thông tin, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin.

Về bảo hiểm vi mô, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đây là loại hình bảo hiểm mới, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, loại hình bảo hiểm này mang tính lợi nhuận không cao, còn rủi ro do đó cần có sự linh hoạt. Bộ Tài chính đề nghị đưa một số nội dung hướng dẫn cụ thể vào dự thảo nghị định của Chính phủ.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu về các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng cho hay, dự thảo luật chỉ đưa vào 3 loại bảo hiểm bắt buộc, các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định tại các luật chuyên ngành, do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại. Bộ trưởng cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế, để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng được quy định rõ trong luật, các loại hình bảo hiểm khác thực hiện theo các luật chuyên ngành.

Về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính, theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội.

Đối với thời điểm có hiệu lực của Luật này, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh sửa thời điểm có hiệu lực của Luật bắt đầu từ ngày 1/1/2023, thay vì ngày 1/7/2023 như dự thảo gửi xin ý kiến trước đây.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã làm rõ về các nội dung như: bố cục và kết cấu của dự án Luật; hợp đồng bảo hiểm; đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm; ứng dụng công nghệ thông tin... Theo Bộ trưởng, đây là luật có tính chất chuyên môn cao, do đó, cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện, đảm bảo chất lượng luật một cách tốt nhất.