Quỹ ETF và quỹ tương hỗ đầu tư cổ phiếu là công cụ mà các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ ở Mỹ ưa chuộng. Trong năm 2022, các quỹ như vậy đã thu hút hơn 100 tỷ USD dòng tiền vào ròng. Theo dữ liệu của EPFR, đây là một trong những lượng tiền lớn nhất họ từng ghi nhận kể từ năm 2000 đến nay.
Ngược lại, các quỹ đầu cơ cố gắng giảm thiểu rủi ro từ cổ phiếu hoặc thậm chí là đặt cược rằng các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ sẽ lao dốc. Goldman Sachs chỉ ra rằng các quỹ tương hỗ đã tăng tỷ trọng của tiền mặt lên khoảng 2,5% trong danh mục vào mùa thu năm nay, cao hơn 1 điểm % so với cuối năm ngoái và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Ben Snider, Giám đốc điều hành tại Goldman Sachs, nói rằng các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ thường đồng loạt bán tháo cổ phiếu khi nền kinh tế giảm tốc và các chỉ số chứng khoán suy sụp. Nhưng điều này đã không xảy ra trong năm nay bất chấp sự sa sút của chỉ số S&P 500. Ông Snider nhận xét: “Thật ngạc nhiên khi các hộ gia đình không bán ra nhiều cổ phiếu”.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), các hộ gia đình Mỹ thường bán ra khoảng 10 tỷ USD cổ phiếu sau khi chỉ số S&P 500 giảm ít nhất 10% kể từ đỉnh. Dữ liệu từ EPFR cho thấy các nhà đầu tư cũng rút tiền khỏi các quỹ cổ phiếu trong năm 2015 và 2018 khi S&P 500 sụt giảm.
Chỉ số S&P 500 đang trên đường ghi nhận năm tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ. “Dấu ấn” lớn nhất của thị trường trong năm 2022 là chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Trong những ngày tới, dữ liệu mới nhất về nhà ở và chi tiêu tiêu dùng sẽ cung cấp thêm manh mối về tình hình tài chính của người tiêu dùng Mỹ và tác động của các đợt tăng lãi suất tới nền kinh tế.
Ông Brian Wilkinson, 60 tuổi, từng chứng kiến những giai đoạn thị trường đen tối hơn cả lúc này. Ông đã trải qua cuộc sụp đổ của chứng khoán năm 1987, tiếp tục đầu tư sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 và vượt qua khủng hoảng tài chính 2008. Sau những biến cố khủng khiếp, thị trường chứng khoán Mỹ luôn phục hồi.
Dù lạm phát cao hoành hành, Brian vẫn dự báo cổ phiếu có nhiều khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn trái phiếu.
Năm nay, ông Wilkinson đã tăng cường tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên 70%. Ông giải thích: “Cổ phiếu là tài sản duy nhất có thể đánh bại lạm phát”. Tuy nhiên, việc chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm không phải cảm giác dễ chịu.
Ông nói với tờ WSJ: “Thật đau đớn khi nhìn thị trường đi xuống. Nhưng sai lầm của việc rút lui khi thị trường sụt giảm mới là điều tai hại nhất”.
Sự bi quan của Phố Wall
Sức chi tiêu bền bỉ của người tiêu dùng là một trong những trụ cột chống đỡ cho thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Bất chấp nỗi lo về suy thoái, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và tiền lương vẫn lên cao hơn. Nhưng một số dấu hiệu cho thấy xu hướng trên đang thay đổi. Doanh số bán lẻ tháng 11 giảm mạnh nhất trong gần một năm, cho thấy công chúng đang chi tiêu ít hơn cho mọi thứ, từ sách báo cho đến đồ điện tử.
Trong khi đó Fed đã báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư tổ chức trở nên bi quan. Dữ liệu từ Deutsche Bank cho thấy số vị thế bán khống ròng gắn với các hợp đồng tương lai chỉ số đã lập kỷ lục trong mùa hè.
Dấu hiệu ấy cho thấy khi đó các nhà quản lý tài sản và quỹ đầu cơ đang chuẩn bị cho việc chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc. Gần đây nhiều nhà đầu tư tổ chức đã giảm bớt vị thế bán khống nhưng dữ liệu đầu tháng 12 cho thấy tâm lý của họ vẫn tiêu cực.
Trong số các quỹ đầu cơ mà Goldman Sachs theo dõi, tỷ lệ vị thế đặt cược giá chứng khoán Mỹ đi lên so với vị thế cược rằng giá sẽ đi xuống đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019.
Bà Amy Wu Silverman, Giám đốc điều hành tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, viết trong lưu ý đầu tháng 12 rằng khách hàng của bà – bao gồm các quỹ đầu cơ và các công ty quản lý tài sản - đang “tỏ ra khá bi quan”.
Một trong những dấu hiệu của tâm trạng ảm đạm chung là dù các nhà đầu tư tổ chức biết rằng mọi người trên Phố Wall đều đang bi quan, đa số họ không đủ dũng cảm để đi ngược với xu hướng chung và cược rằng thị trường sẽ hồi phục mạnh.
Thực trạng ấy khiến một số chuyên gia dự đoán rằng nhiều nhà đầu tổ chức sẽ bỏ lỡ một cuộc phục hồi lớn vào cuối năm. Nhà đầu tư nhỏ lẻ chắc chắn sẽ hoan nghênh kịch bản này, bởi họ đã gắng sức bắt đáy trong cả năm nay nhưng rồi thị trường vẫn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Chiến lược bắt đáy đã tưởng thưởng hậu hĩnh cho các nhà đầu tư trong thập niên hậu khủng hoảng 2008 nhưng đang trên đường ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 1979. Theo Dow Jones Market Data, sau mỗi một tuần chứng khoán Mỹ giảm 1% trong năm 2022 thì thị trường lại tiếp tục giảm 0,7% trong tuần kế tiếp.