Các chủ nợ lớn nhất của FLC là ai?

Chủ nợ lớn nhất của FLC hiện tại là Ngân hàng BIDV với hơn 1.300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2022. Ngoài ra, FLC cũng ghi nhận khoản nợ ngắn hạn mới liên quan ông Lê Thái Sâm (1 trong 3 thành viên Hội đồng quản trị mới) trị giá 621 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2022, Tập đoàn FLC có tổng tài sản gần 36.230 tỷ đồng (tăng gần 2.440 tỷ đồng so với cuối 2021).

Lợi nhuận sau thuế quý II âm hơn 640 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi gần 21 tỷ đồng); Lũy kế 6 tháng đầu năm doanh nghiệp này lỗ hơn 1.105 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 63,5 tỷ đồng).

Theo giải trình của FLC, doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn trong quý II là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính trong quý giảm mạnh do Công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng đang mùa cao điểm.

Bên cạnh đó là ảnh hưởng của khoản tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không nên làm cho lợi nhuận sau thuế đảo chiều từ lãi thành lỗ.

FLC lỗ 1.105 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Quy mô nợ phải trả của FLC tính đến cuối quý II/2022 là xấp xỉ 27.570 tỷ đồng (tăng hơn 3.500 tỷ đồng so với cuối 2021). Đáng chú ý, các khoản vay và nợ thuê tài chính giảm xuống mức 5.100 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm mạnh từ mức gần 4.170 đầu năm xuống còn 2.450 tỷ đồng vào cuối tháng 6; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng thêm hơn 600 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng.

Cụ thể với các khoản vay dài hạn, sau khi tất toán xong khoản nợ 1.840 tỷ đồng tại Ngân hàng Sacombank thì chủ nợ lớn nhất của FLC tính đến cuối tháng là Ngân hàng BIDV với tổng dư nợ đến cuối tháng 6/2022 là 1.309 tỷ đồng; tiếp theo là Ngân hàng Agribank chi nhánh Đông Gia Lai gần 1.115 tỷ đồng…

Đối với nợ vay ngắn hạn, khoản tăng thêm đến từ khoản vay tín chấp mới phát sinh liên quan đến ông Lê Thái Sâm (1 trong 3 thành viên Hội đồng quản trị mới của FLC được bầu tại phiên họp bất thường đầu tháng 7) trị giá hơn 621 tỷ đồng.

Ngoài ra là khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday.

FLC cũng còn khoản nợ ngắn hạn hơn 581 tỷ đồng tại Ngân hàng NCB và gần 80 tỷ đồng tại Agribank. Đồng thời, Tập đoàn đã tất toán xong khoản nợ ngắn hạn trị giá hơn 573 tỷ đồng với Ngân hàng OCB.