Các ngành nghề 'thảm' nhất trong làn sóng cắt giảm lao động sau đại dịch COVID-19

Thực tế các đợt cắt giảm nhân công được tuyên bố gần đây cho thấy tuyệt đại đa số đến từ các công ty, tập đoàn mở rộng hoạt động quá mức trong thời gian dịch bệnh, nhưng cũng có cả nhân tố ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine. Các cái tên được kể đến gồm: Meta, Twitter, Amazon và cả hãng thời trang H&M.
Biểu tượng Meta tại Menlo Park, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Meta tại Menlo Park, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tuần tháng 11/2022, hãng công nghệ khổng lồ Meta, chủ sở hữu mạng xã hội Facebook với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới tuyên bố cắt giảm 11.000 lao động. Giám đốc điều hành Meta đồng thời cũng là nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận trách nhiệm đã để công ty đi chệch hướng và ông đã lạc quan quá mức khi tính toán sự tăng trưởng của hãng, dẫn đến tuyển dụng quá nhiều nhân sự.

Ngoài Meta, các hãng công nghệ khác cũng phải cắt giảm lao động bao gồm Twitter (cắt giảm 50% nhân sự, tương đương 3.750 người), Snapchat (giảm 1.200 người, tương đương 20% nhân sự). Những hãng này đều phát triển mạnh mẽ trong thời gian đại dịch COVID-19 và liên quan tới các hoạt động trực tuyến, điện toán đám mây…

Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm lao động chưa dừng lại và các nền tảng giao hàng cũng trở thành nạn nhân. Đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng người làm việc trực tuyến tăng mạnh khiến doanh số máy tính và các sản phẩm điện tử khác tăng cao, nhưng giờ đây hãng HP đã phải cắt giảm 10% lao động, tương đương từ 4.000 – 6.000 nhân công. Nguyên nhân là do cuộc sống đã trở lại bình thường và dự báo lượng máy tính bán ra tiếp tục trong xu thế lao dốc tới năm 2023. Một “ông lớn” khác là Microsoft cũng tuyên bố cắt giảm lao động, nhưng chưa tiết lộ số lượng cụ thể.

Trong giới thương mại điện tử, hãng Amazon cắt giảm 10.000 lao động, nền tảng giao hàng DoorDash cắt giảm 1.250 việc làm, tương đương 6% nhân lực của công ty, hệ thống thanh toán Stripe cắt giảm 1.000 việc làm. Nguyên nhân cơ bản vẫn là trong thời gian dịch bệnh đã mở rộng quá mức.

Trong lĩnh vực giải trí, AMC Networks cắt giảm 200 việc làm, tương đương 20% lực lượng lao động; Warner Bros. Discovery cắt giảm 1.000 việc làm và còn tiếp tục cắt giảm nhiều hơn.

Theo WSJ, trong danh sách các hãng cắt giảm lao động còn có Peloton với lý do sau dịch bệnh, nhu cầu về thiết bị tập thể dục tại nhà giảm sút. Công ty môi giới ô tô trực tuyến Carvana cũng không là ngoại lệ. Trong một email gửi nhân viên mà tờ WSJ có được, CEO Ernest Garcia III của Carvana nói rằng công ty đã dự tính quá mức về tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đối mặt nhiều thách thức. Carvana lên kế hoạch sa thải 1.500 người, 8% và 13% nhân viên bị sa thải trong tháng 6 và tháng 11/2022. Carvana cho biết việc cắt giảm nhân sự nhằm “cân bằng giữa doanh số và lượng nhân sự”.

Hàng dài người tiêu dùng xếp hàng chờ mua những món đồ từ thương hiệu H&M. Ảnh: Reuters

Hàng dài người tiêu dùng xếp hàng chờ mua những món đồ từ thương hiệu H&M. Ảnh: Reuters

Đương nhiên, nhiều doanh nghiệp phải sa thải nhân công không chỉ do mở rộng quá mức trong thời kỳ dịch bệnh mà còn bởi các nguyên nhân như lạm phát, lãi suất tăng, đồng USD mạnh lên, triển vọng kinh tế bấp bênh... Đầu tháng 11/2022, ứng dụng gọi xe Lyft thông báo cắt giảm 13% nhân sự, tương đương 700 người. Trong thư gửi nhân viên, CEO Lagan Green và Chủ tịch John Zimmer nhắc đến “khả năng suy thoái vào năm sau và chi phí bảo hiểm chuyến đi tăng”. Ngày 30/11, thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển thông báo sẽ cắt giảm khoảng 1.500 việc làm để giảm chi phí. Trong câu chuyện thu hẹp của H&M, người ta còn thấy bóng dáng ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine. Tháng 8/2022, H&M đã phải thanh lý hàng tồn kho để rút lui khỏi thị trường Nga vì không thể duy trì hoạt động kinh doanh ở đây. Trước khi chính thức đưa ra quyết định ngừng kinh doanh tại Nga, vào tháng 3/2022, H&M đã đình chỉ hoạt động kinh doanh ở nước này sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.