Chân dung Geleximco: Tay chơi mới nổi trên thị trường trái phiếu, từng dính nhiều ‘lùm xùm’ tại loạt dự án bất động sản

Kể từ đầu năm 2022, Tập đoàn Geleximco – Công ty CP (Geleximco) đã trải qua 3 đợt phát hành trái phiếu, thu về gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng gây chú ý với những ‘tai tiếng’ tại nhiều dự án bất động sản.

Dồn dập huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu

Theo thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đợt phát hành trái phiếu đầu tiên được Geleximco hoàn tất vào ngày 22/1/2022 (phát hành vào ngày 10/11/2021). Lô trái phiếu có khối lượng 97.973 trái phiếu, với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, đáo hạn vào ngày 10/11/2024.

Lô trái phiếu này giúp Geleximco thu về 979,73 tỷ đồng.

Cũng vào ngày 20/1/2022, Geleximco đã hoàn tất chào bán lô trái phiếu thứ hai với số lượng 100 nghìn trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Qua đó, Geleximco thu về 1.000 tỷ đồng từ đợt phát hành này.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng, cũng được phát hành vào ngày 10/11/2021, đáo hạn vào ngày 10/11/2023.

Lô trái phiếu còn lại được Geleximco phát hành vào ngày 31/12/2021, lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm (đáo hạn vào ngày 31/12/2023). Hoàn tất vào ngày 24/3/2022.

Lô trái phiếu được chào bán có khối lượng 100.809 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Kết thúc đợt phát hành, Geleximco thu về thêm 1.008 tỷ đồng.

Như vậy sau 3 đợt phát hành trái phiếu, Tập đoàn Geleximco – Công ty CP (Geleximco) đã thu về tổng cộng 2.987.820 triệu đồng.

Lô trái phiếu gần nhất được Geleximco huy động giúp công ty thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ Geleximco, những công ty liên quan đến hệ sinh thái Geleximco cũng hoạt động cực kỳ sôi nổi trên thị trường trái phiếu thời gian qua.

Điển hình như CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (đơn vị phát triển dự án Đồi Rồng của Tập đoàn Geleximco). Chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 8 – tháng 9/2021) Vạn Hương đã trải qua 3 đợt phát hành, giúp công ty thu về tổng cộng 1.900 tỷ đồng.

Cụ thể, đợt phát hành đầu tiên diễn ra vào ngày 31/8/2021, hoàn tất vào ngày 23/11/2021. Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Kết thúc đợt phát hành, Du lịch Vạn Hương thu về 500 tỷ đồng.

Mục đích phát hành nhằm đầu tư vào dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng của Geleximco.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai, cùng một phần quyền tài sản phát sinh từ Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Ngoài ra, tài sản đảm bảo  còn là 25 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TPCP An Bình (ABBank).

Danh mục tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ của Du lịch Vạn Hương.

Ngay sau đó đúng 1 ngày, vào ngày 1/9/2021, Du lịch Vạn Hương tiếp tục phát hành 10.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thu về 1.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu trên có kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn vào ngày 1/9/2024), lô trái phiếu được hoàn tất vào ngày 30/9/2021 với lãi suất 9,8%/năm. Toàn bộ số tiền thu được cũng sẽ sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư vào dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng

Lô trái phiếu cuối cùng của năm 2021 được Du lịch Vạn Hương phát hành vào ngày 29/9/2021 với khối lượng 4 triệu trái phiếu, mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, giúp công ty về 400 tỷ sau đợt phát hành.

Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng (đáo hạn vào ngày 29/9/2026), lãi suất của trái phiếu là 9%/năm. Toàn bộ số tiền thu được cũng sẽ sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư vào dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu cũng giống như hai lô trái phiếu trước đó là quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.

Đợt phát hành trái phiếu cuối cùng của Du lịch Vạn Hương trong năm 2021.

Sang năm 2022, Du lịch Vạn Hương tiếp tục thu về gần 2.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Cụ thể, kể từ đầu năm nay, Du lịch Vạn Hương đã trải qua 2 đợt phát hành trái phiếu với số tiền lần lượt là 500 tỷ và 1.499,6 tỷ đồng. Tổng cộng thu về 1.999,6 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương đã thu về tổng cộng 3.899,6 tỷ đồng sau 5 đợt phát hành.

Phối cảnh dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng của Geleximco vừa được Du lịch Vạn Hương rót hàng nghìn tỷ vào đầu tư.

Theo tìm hiểu, Du lịch Vạn Hương được thành lập năm 2010, có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Vạn Hương đang đơn vị phát triển dự án Đồi Rồng của Tập đoàn Geleximco.

 Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Vạn Hương là ông Phạm Ngọc Tuân (SN 1969). Ông Tuân từng có nhiều năm là Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HNX: SHN) – một thành viên khác của Geleximco.

Ngoài Du lịch Vạn Hương, những pháp nhân khác trong hệ sinh thái của Geleximco cũng ‘ưa thích’ phát hành trái phiếu. Cụ thể, Glexhomes (cổ đông sáng lập là Tập đoàn Geleximco) đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu và CTCP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam cũng huy động thành công 800 tỷ đồng để mua bất động sản ở Tuy Hòa, Phú Yên.

‘Tai tiếng’ tại hàng loạt dự án bất động sản

Liên quan đến các dự án đầu tư của Geleximco, thời điểm tháng 2/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 145/SXD-QLN&TTBĐS về việc công bố các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản; Các dự án bất động sản đủ điều huy động vốn; Các dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản và cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tại các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (tháng 01/2022).

Trong đó, Tập đoàn Geleximco góp mặt với 3 dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Cụ thể là các dự án: Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám, xóm Miều, xã Trung Minh; dự án Khu đô thị mới Hòa Bình – Geleximco tại phường Thịnh Lang và phường Tân Hòa; dự án Khu đô thị sinh thái Trung Minh Geleximco tại xã Trung Minh.

Ngoài ra, Geleximco còn được biết đến là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Hòa Bình – Geleximco. Tổ hợp dự án của Geleximco được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 12/2014, với diện tích được phê duyệt 393 ha tại địa bàn xã Dân Hạ và xã Trung Minh (Thành phố Hòa Bình). Trong đó, 263,9 ha đất quy hoạch sân golf; 59,99 ha quy hoạch nhà ở và đô thị sinh thái; 68,99 ha đất dự trữ phát triển trồng rừng và đất khác.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, hạng mục trung tâm là sân golf 36 hố với các tiêu chuẩn quốc tế cùng các nhà câu lạc bộ golf và các công trình phụ trợ kỹ thuật sân golf, các khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp mục tiêu là điểm đến hấp dẫn của các golfer trong nước và quốc tế.

Tháng 9/2019 sân golf được khai trương với tên gọi Hilltop Valley Golf Club. Theo đại diện Geleximco, đây là một trong những dự án quy mô và trọng điểm của tập đoàn này.

Đáng chú ý, dự án này từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra chỉ ra loạt sai phạm về đất đai.

Cụ thể, vào ngày 09/02/2021, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về việc kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam. Trong đó, dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco được nhắc đến.

Dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco.

Tại thông báo Kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích 140,13 ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Việc phê duyệt quy hoạch này là chưa đúng với Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco.

Về phía mình, Tập đoàn Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, được thành lập vào năm 1993.  Hiện tại, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng.

Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Sản xuất Công nghiệp; Tài chính – Ngân hàng; Bất động sản; Thương mại – Dịch vụ và Nông nghiệp Công nghệ cao.

Tập đoàn này gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền, người được gọi với nick name anh “Tiền còi”. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng được nhắc tới nhiều trong mối quan hệ “người nhà” với Geleximco.