Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam từ ngày 22/9.
Công ty BaF được thành lập vào năm 2017, có vốn điều lệ 780 tỷ đồng, tương đương 78 triệu cổ phần đăng ký niêm yết.
Được biết, ngành nghề kinh doanh chính của BaF là hoạt động trong lĩnh vực di truyền giống và chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng theo mô hình Feed-Farrm-Food khép kín. Hiện tại công ty đang phát triển hệ thống trang trại nuôi heo tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Daklak, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên... Sản phẩm chính của công ty là thịt heo BaF.
Cuối tháng 7/2021 vừa qua, BaF tiến hành IPO chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Có 28 triệu cổ phần được đưa ra chào bán với giá 20.000 đồng/cổ phần dự kiến huy động 560 tỷ đồng. Kết quả, toàn bộ 28 triệu cổ phiếu đã chào bán hết thành công.
Về hoạt động kinh doanh, trong 3 năm đầu mới thành lập, doanh thu bình quân trên 13.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, doanh thu ghi nhận 5.251 tỷ đồng, giảm 20,4%; lợi nhuận sau thuế 201 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,6% lên 5,2% cùng chi phí tài chính giảm là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 ghi nhận khoản dư nợ vày tài chính ngắn hạn hơn 1.844 tỷ đồng đến cuối năm 2019 đã được trả gần hết xuống còn hơn 10 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản công ty giảm gần 1.100 tỷ đồng, xuống còn 5.245 tỷ đồng nhờ giảm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm 1.553 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, BaF đạt 5.251 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ chi phí thấp, giá bán cao nên lãi sau thuế bất ngờ gấp 10 lần cùng kỳ, đạt hơn 201 tỷ đồng.
Theo BCTC, các khoản phải thu chủ yếu từ các đơn vị thứ ba như CTCP Tập đoàn Tân Long 645,35 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Dịch vụ Sơn La là 566,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại XNK Tân Thành Nam là 430,36 tỷ đồng; Công ty TNHH DT Kinh doanh Nhật Tân là 362 tỷ đồng….
Như vậy, tài sản của công ty chủ yếu nằm ở các khoản nợ của công ty khách hàng.
Ngược lại, phần nguồn vốn có tới 5.798,5 tỷ đồng phải trả các nhà cung cấp khác, chiếm 83,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu phải trả CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát 954,4 tỷ đồng; CTCP CBOT Việt Nam 545,2 tỷ đồng; Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng là 493,7 tỷ đồng; CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế 410,4 tỷ đồng; CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …