Chi "khủng" cho lãnh đạo cấp cao, Kinh Bắc đang kinh doanh ra sao?

Thu nhập của ban lãnh đạo Kinh Bắc tiếp tục tăng dù kết quả kinh doanh năm ngoái sa sút, nhiều chỉ tiêu tài chính không hoàn thành.

Tài liệu họp đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc, mã cổ phiếu KBC) cho thấy Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương có thu nhập 9,6 tỷ đồng trong năm 2020. Mức này cao hơn 3,1 tỷ đồng so với năm 2019 và tăng 4 tỷ đồng so với năm 2018.

Ngoài ra, việc là thành viên hội đồng quản trị của Kinh Bắc đem về cho bà Hương thêm 111 triệu đồng tiền thù lao. Bà phải nộp tổng cộng 3,2 tỷ đồng tiền thuế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Ảnh: Website Kinh Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Ảnh: Website Kinh Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương sinh năm 1971, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Kinh Bắc từ năm 2012, thay cho ông Đặng Thành Tâm (hiện là chủ tịch hội đồng quản trị). Bà có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh và là tiến sĩ khoa học kinh tế, thành thạo tiếng Trung và tiếng Anh. Bà gắn bó với Kinh Bắc từ ngày đầu thành lập nên hiểu rõ điểm mạnh yếu, giúp công ty vượt qua nhiều khủng hoảng. Tính đến cuối năm ngoái, bà Hương còn sở hữu gần 300.000 cổ phiếu KBC, tương đương khoảng 12 tỷ đồng theo thị giá hiện tại.

Trong khi đó, ông Phạm Phúc Hiếu, thành viên hội động quản trị, phó tổng giám đốc Kinh Bắc, nhận gần 3,5 tỷ đồng trong năm qua. Hai phó tổng giám đốc khác là bà Nguyễn Mỹ Ngọc và ông Phan Anh Dũng lần lượt nhận 2,5 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng. 

Hội đồng quản trị của Kinh Bắc chỉ có một người không nhận thù lao là Chủ tịch Đặng Thành Tâm.

Tính chung trong năm 2020, tổng thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên Kinh Bắc đạt 18,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 19,7% so với năm 2019. Nhân sự của cả tập đoàn tính đến 31/12/2020 là 500 người.

Điều đáng nói, thu nhập của ban lãnh đạo Kinh Bắc tiếp tục tăng dù kết quả kinh doanh năm ngoái sa sút, nhiều chỉ tiêu tài chính không hoàn thành.

Kết quả kinh doanh đi xuống

Năm 2020, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu sụt giảm 33%, đạt 2.154 tỷ đồng. Trong đó, thu từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm 81%; thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng chiếm 6%. Công ty không ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng (năm trước đạt 100 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, đà giảm của giá vốn thấp hơn nhiều so với doanh thu khiến lãi gộp của nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này giảm gần 3 lần, đạt 659 tỷ đồng.

Hầu hết chi phí phát sinh năm vừa qua của doanh nghiệp đều tăng (trừ chi phí bán hàng). Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập lớn đến từ hoạt động tài chính, nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này vẫn ghi nhận mức lãi trước và sau thuế dương.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Kinh Bắc là gần 430 tỷ đồng, tương đương chưa tới 1/3 số thu năm liền trước. Tương tự, lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập là 297 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận ròng thấp nhất mà Kinh Bắc ghi nhận được kể từ năm 2014 đến nay.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt gần 23.600 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm. Trong đó mức tăng chủ yếu tập trung ở hàng tồn kho (gần 3.800 tỷ đồng); các khoản phải thu ngắn hạn (gần 1.200 tỷ đồng) và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (gần 1.990 tỷ đồng).

Việc tăng lượng hàng tồn kho trong năm cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2020 của công ty này âm hơn 3.100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 1.500 tỷ.

Giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2020 của Kinh Bắc là hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm và tương đương gần 50% tổng tài sản. Toàn bộ giá trị này là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, chi phí tại dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát chiếm hơn 7.000 tỷ, tăng gấp đôi so với đầu năm.

"Quay cuồng" trong cơn "khát vốn"

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) cho biết trong năm 2020 đã đầu tư trực tiếp vào các dự án khu công nghiệp khu đô thị số tiền 4.518 tỷ đồng, gấp 6,2 lần so với năm trước.

Riêng dự án khu đô thị Tràng Cát, tổng công ty rót 3.503 tỷ đồng để hoàn thành nộp tiền sử dụng đất. Hải Phòng đã bàn giao hiện trạng đất trên thực địa để công ty làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, Kinh Bắc cũng đầu tư hơn 600 tỷ vào khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và khu công nghiệp Quang Châu để xây dựng cơ cở hạ tầng, đền bù đất.

Doanh nghiệp lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng trong năm 2021 thông qua vay tín dụng và phát hành trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án cũ, mới, bổ sung vốn lưu động.

Theo NDH, trong năm 2020, Kinh Bắc đã tăng cường nợ vay để đầu tư vào các dự án Tràng Cát, Quang Châu, Tràng Duệ... Cụ thể, doanh nghiệp tăng vay nợ ngắn hạn từ 804 tỷ lên 1.547 tỷ đồng, vay dài hạn từ 1.122 tỷ lên 4.218 tỷ đồng; riêng phát hành trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu ra công chúng là 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng từ 18% lên 54%, trong khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 58% lên 1,2.

Ngay đầu năm nay, tổng công ty đã triển khai phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Cả 2 loại trái phiếu đều có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,5-10,8%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Thời gian thực hiện trong quý I và II. Nguồn tiền thu được cho các công ty con vay như cho Công ty KCN Sài Gòn – Bắc Giang, công ty KCN Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty Phát triển Đô thị Sài Gòn – Tây Bắc.

Đồng thời, HĐQT quyết định không chia cổ tức tiền mặt tối thiểu 10% cho năm 2019 như thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 để giữ lại tái đầu tư.

Hội đồng quản trị Kinh Bắc đang đề xuất giữ lại lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2019 để "thực hiện chiến lược phòng thủ ngừa diễn biến xấu ảnh hưởng đến dòng tiền". Công ty sẽ huỷ các phương án phân phối lợi nhuận (chia cổ tức tối thiểu 10% bằng tiền mặt) đã thông qua tại phiên họp thường niên năm ngoái.

Ban lãnh đạo công ty lý giải, dịch bệnh khiến kế hoạch hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án bị ảnh hưởng, kéo theo kế hoạch bàn giao đất cho khách hàng nước ngoài bị chậm. Do đó, dòng tiền của công ty chỉ đảm bảo việc thanh toán nợ đến hạn và nộp tiền sử dụng đất 3.500 tỷ đồng cho dự án khu đô thị Tràng Cát để hưởng lợi về giá vốn.

Mặt khác, HĐQT trình cổ đông thông qua ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chi tiết, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2020.

Năm 2021, Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu năm nay tăng vọt lên 6.600 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng khoảng 7 lần, lên 2.000 tỷ đồng. Công ty dự tính thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng thông qua vay tín