Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ?

Thế giằng co giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ 8/11 vẫn chưa ngã ngũ, trong bối cảnh kết quả cuộc cạnh tranh này sẽ tác động mạnh mẽ tới chính trường Mỹ trong 2 năm tới.

Mặc dù đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng kết quả bầu cử sơ bộ giữa kỳ Mỹ cho thấy rõ sự chia rẽ trên chính trường Mỹ và sự bế tắc trong các phiên họp tiếp theo của lưỡng hội Mỹ là rất lớn, đặt ra các thách thức và trở ngại không nhỏ cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.

KẾT QUẢ SƠ BỘ

Tại Thượng viện, đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát và giữ được thế đa số hẹp trong 2 năm tới sau khi Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto của đảng đánh bại ứng viên của đảng Cộng hòa Adam Laxalt (cựu Tổng chưởng lý bang Nevada và được cựu Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn) tại bang Neveda. Đảng Dân chủ giành được 50 ghế so với 49 ghế của đảng Cộng hòa.

Cho tới thời điểm này, vẫn còn một ghế vào Thượng viện chưa được quyết định là ở bang Georgia. Hai ứng viên là Thượng nghị sĩ đương nhiệm Raphael Warnock của đảng Dân chủ và ứng viên Herschel Walker của đảng Cộng hòa sẽ phải trải qua vòng bổ phiếu bổ sung vào ngày 6/12 tới vì không vượt ngưỡng 50% phiếu bầu theo quy định. Tuy nhiên, dù đảng Cộng hòa có giành chiến thắng đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đến việc chiếm ưu thế của đảng Dân chủ tại Thượng viện vì Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ sẽ giữ vai trò bỏ phiếu cuối tại Thượng viện trong trường hợp tỉ lệ phiếu giữa hai bên bằng nhau.

Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đang tiến sát tới mốc giành tối thiểu 218 ghế để kiểm soát. Theo kết quả cập nhật mới nhất của Guardian đến ngày 16/11 giờ Mỹ, đảng Cộng hòa đã giành được 217 ghế, đảng Dân chủ giành được 209 ghế. Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm 1 ghế nữa là đạt mức tối thiểu 218 ghế để kiểm soát Hạ viện.

Các Thượng nghị sĩ mới được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1/2023.

Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ? - 1
Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ? - 2

Kết quả bầu cử Hạ viện và Thượng viện đến ngày 16/11 giờ Mỹ (Đồ họa: Guardian).

NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI CỤC DIỆN BẤT NGỜ

Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ? - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Barack Obama trong một vận động tranh cử ở Philadelphia, Pennsylvania trước ngày bầu cử 8/11 (Ảnh: Reuters).

Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, thông thường đảng nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng thường chịu tổn thất lớn trong cuộc đua vào lưỡng viện. Tuy nhiên, kết quả năm nay cho thấy sự nhiều sự xoay chuyển bất ngờ, đi ngược xu hướng lịch sử. Việc giữ được quyền kiểm soát Thượng viện là một "điểm cộng" rất lớn đối với Tổng thống Biden trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Thứ nhất, đã không có "làn sóng đỏ" như kỳ vọng: Kết quả bầu cử kỳ cho thấy đã không có "làn sóng đỏ" nào xô vào chính trường Mỹ. Các ứng viên được ông Trump hậu thuẫn tại các bang Massachusetts, Maryland, Colorado, Pennsylvania, Floria và Illinois và Neveda đã thất bại và ở một số bang khác thì lại không giành được chiến thắng như kỳ vọng. Những "tân binh" hàng đầu được ông hậu thuẫn lần lượt thất bại và những gương mặt có khả năng đối đầu với ông trong đảng Cộng hòa lại vụt lên thành ngôi sao mới như Thống đốc Florida Ron DeSantis.  

Hơn nữa, màn thể hiện không như kỳ vọng của đảng Cộng hòa đang tạo áp lực rất lớn cho ông Trump, khiến cho con đường chạy đua vào Nhà Trắng của ông vào năm 2024 trở nên gập ghềnh hơn. Ngày 15/11 giờ Mỹ, ông Trump đã chính thức tuyên bố tái tranh cử tổng thống sau rất nhiều đồn đoán trong suốt thời gian dài vừa qua.

Thứ hai, đảng Dân chủ không bị tổn thất như dự đoán: Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, Đảng Dân chủ được dự đoán là sẽ bị tổn thất nặng nề. Nhiều tín hiệu đáng lo như mức độ ủng hộ ông Biden ở mức thấp, đảng Dân chủ không thể hiện tốt về kinh tế. Tuy nhiên, trái lại dự đoán trước đó, đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Thượng viện; đặc biệt ghi dấu ấn mạnh khi thắng tại các bang chiến địa như Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Nevada và Arizona. Họ cũng tránh được các xáo trộn lớn ở các thành trì Colorado và New Hampshire, vốn được dự báo nhiều cam go. Việc kiểm soát Thượng viện là động lực rất lớn đối với Tổng thống Biden trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ; giúp đảng này có khả năng thông qua các đề cử tư pháp của ông Biden, cũng như bác các dự luật được Hạ viện thông qua và có thể thiết lập chương trình nghị sự riêng của họ.

Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, xóa nợ cho sinh viên và động thái đảng Cộng hòa chuyển sang cực hữu với việc đề cử một số ứng viên ủng hộ thuyết âm mưu và phủ nhận tính xác thực của các cuộc bầu cử là hai yếu tố góp phần giúp đảng Dân chủ giữ vững vị thế.

Giáo sư về khoa học chính trị Lara Brown tại Đại học George Washington cho rằng, lá phiếu của các cử tri nữ và cử tri trẻ tuổi đã giúp đảng Dân chủ vươn lên và khiến "làn sóng đỏ" không diễn ra như kỳ vọng của đảng Cộng hòa.

Thứ ba, nội bộ đảng Cộng hòa "lục đục"CNN đưa tin, "màn đổ lỗi" đang lan rộng trong nội bộ đảng Cộng hòa vì thất bại vừa qua. Các chiến lược gia đảng Cộng hòa cảm thấy bất mãn vì ứng viên của đảng, nhất là các ứng viên được ông Trump hậu thuẫn đã không chớp được "thời cơ lịch sử" để kiến tạo lịch sử khi mức tín nhiệm của cử tri Mỹ với đảng Dân chủ và Tổng thống Biden xuống thấp và lạm phát cao kỷ lục, nền kinh tế Mỹ trên đà suy thoái.

Trong khi đó, đài ABC cho biết, một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ ra rằng đã có "sự tính toán sai lầm trong môi trường chính trị". Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát và phá thai là hai vấn đề hàng đầu mà cử tri quan tâm, trong khi an toàn công cộng - trọng tâm trong chiến dịch vận động của đảng Cộng hòa trước ngày bầu cử - lại không được cử tri quan tâm nhiều bằng.

Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ? - 4

Cử tri đảng Dân chủ vui mừng khi ứng viên của đảng thắng cử ở Pennsylvania (Ảnh: Reuters).

CÁC TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC BẦU CỬ GIỮA KỲ MỸ

Mặc dù Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ có thể vui mừng vì họ đã bảo vệ được thế đa số hẹp tại Thượng viện và bám đuổi đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nhưng những gì diễn ra trên chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ cho thấy một chính phủ bị chia rẽ bởi chủ nghĩa đảng phái với quan điểm và lập trường chính trị khác nhau. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến các vấn đề kinh tế, đối nội và đối ngoại của nước Mỹ:

Tác động về kinh tế

Thứ nhất, chi tiêu liên bang sẽ ít đi: Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cam kết cắt giảm chi tiêu liên bang vì vấn đề lạm phát và viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái năm 2023, do đó, họ sẽ ngăn Tổng thống thông qua các khoản ngân sách "quá hào phóng" và buộc đảng Dân chủ phải cắt giảm để đạt được sự đồng thuận.

Chuyên gia Brian Gardner, Giám đốc chính sách chiến lược tại Ngân hàng Đầu tư Stifel, nhận định rằng thời gian tới việc thông qua các dự luật chi tiêu của chính phủ và tăng trần nợ sẽ còn khó khăn hơn so với dự kiến trước đây vì chắc chắn các đảng viên Cộng hòa sẽ tìm cách gây khó khăn hơn nữa.

Thứ hai, nguy cơ vỡ trần nợ cao hơn: Đây là số tiền tối đa mà Mỹ được phép vay để trả các khoản nợ và nếu số nợ chính phủ chạm ngưỡng đó nhưng không nâng trần, Mỹ có thể vỡ nợ. Phe Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố nếu giành thế đa số sau bầu cử giữa kỳ, họ có thể sử dụng trần nợ như một công cụ để đàm phán với Tổng thống Biden. Nói cách khác, phe Cộng hòa có thể từ chối tăng trần nợ nếu tổng thống không đồng ý với yêu cầu cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Thứ ba, khó có khả năng triển khai chính sách kích thích kinh tế trong thời kỳ suy thoái: Theo quan điểm của Tổng thống Biden, đảng Cộng hòa sẽ có rất ít động lực để giúp củng cố kinh tế Mỹ nếu rơi vào suy thoái. Các nghị sỹ Cộng hòa sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sau khi đổ lỗi cho biện pháp kích thích kinh tế mà Nhà Trắng triển khai vào tháng 3/2022.

Nhà phân tích Alec Phillips của Goldman Sachs nói rằng, phản ứng của cơ quan lập pháp đối với một cuộc suy thoái tiềm ẩn cũng sẽ khó khăn hơn vì Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ theo đuổi các cách tiếp cận khác nhau.

Thứ tư, chi phí xăng dầu và hàng hóa tăng cao: Đây cũng là điểm yếu nhất của đảng Dân chủ. Lạm phát ngày càng cao khiến cho vấn đề này nan giải hơn bao giờ hết, đòi hỏi đảng Dân chủ phải có các biện pháp phù hợp để ổn định thị trường.

Nền kinh tế Mỹ đã xoay sở để vượt qua một cuộc suy thoái nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng Mỹ có thể chìm vào suy thoái năm 2023, khiến hàng triệu người mất việc làm khi các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và chi phí sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, an sinh xã hội, làm cho tình trạng tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng.

Tác động đối với chính sách đối ngoại

Bầu cử giữa kỳ không chỉ định đoạt cục diện chính trường Mỹ, mà còn tác động tới chính sách đối ngoại cùng cam kết của Washington với thế giới.

Đối với vấn đề Ukraine: Giới quan sát cho rằng "tác động tức thời và quan trọng nhất" của bầu cử giữa kỳ với chính sách đối ngoại có thể là được thể hiện trong quan điểm của Mỹ đối với vấn đề ủng hộ Ukraine.

Sự ủng hộ dành cho Ukraine vài tháng qua đã nhận được đồng thuận rộng rãi từ lưỡng đảng Mỹ, nhưng trong những tuần gần đây, vấn đề này đang bị chính trị hóa trước thềm bầu cử giữa kỳ.

Hiện nay, Mỹ đang là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine về cả kinh tế, quân sự và ngoại giao. Ngày 4/11, Lầu Năm Góc công bố thông tin, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 18,9 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021, trong đó hơn 18,2 tỷ USD là từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua.

Chính trường Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử giữa kỳ? - 5

Cử tri Mỹ đi bầu cử ở Georgia ngày 8/11 (Ảnh: Reuters).

Trong hơn 8 tháng qua, Tổng thống Joe Biden đã rất thuận lợi trong việc thông qua và triển khai các chính sách hỗ trợ cho Ukraine vì đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện và phe Cộng hòa cũng có sự đồng thuận hiếm hoi trong vấn đề này. Do đó, thời gian tới, sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine sẽ không suy giảm, tuy nhiên, có thể có sự định hình lại các ưu tiên chính sách nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát tại Hạ viện.

Đối với Trung Quốc: Mặc dù mối quan hệ và cách xử lý trong các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc là một trong những vấn đề ít ỏi đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng nhưng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ với Trung Quốc, nhất là về vấn đề bảo hộ thương mại.

Trong chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi tháng 10, Mỹ xác định sự cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất" mà Mỹ phải đối mặt trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Do đó, 2 năm tới, Tổng thống Biden có thể sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đối ngoại với trọng tâm là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào thời điểm kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương. Các dự đoán suy thoái phần lớn đã chuyển sang "khi nào" chứ không phải "nếu" và lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao. Người Mỹ giờ đây thực sự đang bị tổn thương nên điều quan trọng thực sự giờ đây là phải tìm được tiếng nói và sự đồng thuận chung của lưỡng đảng nhằm đẩy lùi suy thoái và vực dậy nền kinh tế Mỹ chứ không phải chỉ là màn trình diễn của kẻ thắng, người thua mà trong đó phơi bày một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc từ ngay trong nội tại bởi các tư tưởng cực đoan, quan điểm chính trị khác biệt và chủ nghĩa bè phái.