Thời gian này, dự án Grand SunLake đang được mở bán với nhiều ưu đãi, mức giá giới thiệu khá hấp dẫn, từ 37 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tháng, dự án đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản khi một số khách hàng tố chủ đầu tư lừa đảo.
Dự án Grand Sunlake (tên cũ là Hesco Văn Quán) tọa lạc ở quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là tổ hợp trung tâm thương mại - văn phòng - chung cư cao tầng với quy mô gồm hai tháp 50 tầng và một tháp 45 tầng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.
Chủ đầu tư dự án này trước đây là liên danh Công ty Cổ phần Thiết bị Thuỷ lợi (gọi tắt là Hesco) và Công ty Cổ phần Bất động sản Megastar (Megastar Land).
Sau khi ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vina Megastar bị bắt vào năm 2013 về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, dự án gần như “đóng băng”. Đến tháng 12/2015, dự án được chuyển đổi chủ đầu tư sang Liên danh Hesco và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (Công ty Thăng Long). Đồng thời, dự án nhiều tai tiếng Hesco Văn Quán được đổi tên thành Grand Sunlake.
Liên danh mới Thăng Long - Hesco được kỳ vọng có thể trả lại quyền lợi chính đáng cho khách hàng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, sau nhiều lần căng băng rôn, khách hàng vẫn chưa nhận được quyền lợi của mình.
Trong khi đó, nhiều vấn đề liên quan đến vốn của Liên danh này được hé lộ. Đó là Thăng Long trong tình trạng nợ cao gấp 9,6 lần vốn, còn Hesco lại giảm 40% vốn điều lệ.
Công ty Thăng Long giảm hơn 43,5% vốn điều lệ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (Công ty Thăng Long) thành lập ngày 26/1/2010 với người đại diện pháp luật là ông Trịnh Cần Chính. Ngành nghề chính của công ty là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Tại ngày 8/12/2015, nhiều cổ đông sáng lập như bà Dương Thị Bích Ngọc, ông Trần Đức Giang, bà Lê Thị Xoan, ông Lê Văn Nam, ông Lê Ngọc Sang đã thoái toàn bộ vốn của mình tại Công ty Thăng Long. Cổ đông sáng lập duy nhất còn lại là ông Nguyễn Văn Đức. Ông Đức sở hữu 44% vốn điều lệ, tương đương 52,8 tỷ đồng.
Tới ngày 11/12, sau khi “thay máu” cổ đông, vốn điều lệ công ty tăng vọt từ 120 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng. Sau đó, vốn điều lệ lại vọt lên 840 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới ngày 3/11/2022, vốn điều lệ Thăng Long bất ngờ giảm 365 tỷ đồng, tương đương 43,5% xuống chỉ còn 475 tỷ đồng.
Hesco nợ cao gấp 9,6 lần vốn chủ sở hữu
Công ty Cổ phần Thiết bị Thủy lợi (Hesco) thành lập ngày 4/4/2003 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Huy Quân. Ngành nghề chính của công ty là "Sản xuất máy thông dụng khác".
Khác với Thăng Long, Hesco có quy mô vốn thấp hơn rất nhiều. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Hesco chỉ đạt 26,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 26,5 tỷ đồng của năm 2020.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu sụt giảm trong bối cảnh Hesco ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 1,7 tỷ đồng. Như vậy, không loại trừ khả năng có cổ đông rút bớt vốn khỏi công ty.
Trong vài năm gần đây, vốn chủ sở hữu Hesco biến động rất chậm chạp và có quy mô thấp, chỉ là 27 tỷ đồng (năm 2017), 25,7 tỷ đồng (năm 2018), 26,2 tỷ đồng (năm 2019) và 26,5 tỷ đồng (năm 2020).
Quy mô vốn thấp nhưng nợ tại Hesco lại rất cao. Hồi cuối năm 2021, nợ phải trả của công ty lên đến 251 tỷ đồng, cao gấp 9,6 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 90,6% tổng nguồn vốn.
Trong các năm gần đây, nợ của Hesco luôn ở mức cao ngất ngưởng, vượt trội so với vốn, lần lượt đạt 226 tỷ đồng (năm 2017), 241 tỷ đồng (năm 2018), 249 tỷ đồng (năm 2019) và 256 tỷ đồng (năm 2020).