Chủ tịch Quốc hội: Chuyên gia còn không hiểu, dân làm sao góp ý?

14/12/2022 08:30

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu chỉ đăng tải toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lên cổng thông tin rồi lấy ý kiến, người dân sẽ khó góp ý vì ngay cả chuyên gia còn không hiểu.

Dự thảo lấy ý kiến người dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ 18, chiều 13/12. Trong đó, thời gian lấy ý kiến (dự kiến từ 3/1 đến 28/2/2023) được nhiều đại biểu đề nghị kéo dài để phù hợp với lịch nghỉ Tết của người dân.

Giám sát quá trình tổng hợp ý kiến

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc lấy ý kiến người dân liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ được thực hiện với những dự thảo luật gây tác động lớn như Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Hình sự.

Do đó, ông Huệ mong muốn lắng nghe trao đổi của các cơ quan đã có kinh nghiệm trong việc lấy ý kiến người dân.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đối tượng cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa rõ ràng. Thông thường, các quyết sách về pháp luật lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, nên cần cụ thể hóa về hai nhóm này.

"Hiện, dự thảo chưa tổ chức lấy ý kiến mà đã có rất nhiều ý kiến từ những hội thảo, tọa đàm và văn bản. Hôm qua, tôi vẫn nhận được văn bản góp ý gửi trực tiếp với nhiều ý kiến hay, đề xuất từng vấn đề một, như thế mới đáng quý", ông Huệ nói.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo lấy ý kiến người dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo lấy ý kiến người dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng thời gian qua, nhiều hội thảo, tọa đàm hoành tráng nhưng những ý kiến thu được chủ yếu là bình luận và đánh giá, chưa đưa ra giải pháp. Do đó, cách thức thực hiện cần được trao đổi thêm để có được ý kiến đóng góp sâu sát.

Bên cạnh đó, ông bày tỏ băn khoăn với hình thức đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo Luật lên cổng thông tin điện tử, nhiều người dân đọc qua có thể không nhận thấy vấn đề và cũng khó để đưa ra góp ý.

"Nếu chỉ nêu ra những nội dung như vậy, chuyên gia còn không hiểu để góp ý thì người dân hiểu và góp ý làm sao?", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng các địa phương có thể tổ chức hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp từ người dân, trong đó cử thêm chuyên gia, cán bộ giải đáp thắc mắc.

Ông Huệ cũng cho biết cần giám sát quá trình Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp ý kiến từ người dân, vì "có thể xảy ra trường hợp những ý kiến sát sao thì không được tổng hợp". Đồng thời, thời gian tổ chức lấy ý kiến người dân cần được xem xét kéo dài vì rơi vào dịp Tết.

Cần xác định lại nhóm vấn đề lấy ý kiến

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng dự thảo lấy ý kiến người dân mới chỉ nói đến mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung và hình thức, trong khi cần thêm quy định về kết quả lấy ý kiến.

Theo đó, kết quả lấy ý kiến sẽ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo nhưng ông Cường đề nghị kết quả này cũng cần gửi về Quốc hội để chủ động nắm thông tin và xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Đồng thời, cần tránh câu chuyện có những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý Nhà nước nên không được đưa vào báo cáo", ông Cường nói.

Về thời gian lấy ý kiến, ông Cường đề nghị kéo dài đến ngày 15/3/2023 hoặc hết tháng 3/2023 bởi nội dung dự thảo rất quan trọng, tác động lớn đối với người dân.

Trong khi đó về nguyên tắc, kỳ họp của Quốc hội bắt đầu tháng 5 và tháng 10 mới thông qua dự thảo Luật nên có độ trễ thời gian.

Mặt khác, việc triển khai lấy ý kiến trùng với giai đoạn Tết. Tâm thế ở địa phương còn phải xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai đến huyện rồi xuống xã, thôn. Trong bối cảnh này, ông Cường cho rằng nếu chỉ lấy ý kiến đến hết tháng 2/2023 theo kế hoạch ban đầu là rất gấp.

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến người dân. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất kéo dài thời gian lấy ý kiến người dân. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng thời gian lấy ý kiến cố gắng kéo dài tối đa và đến ngày 15/3/2023 là khả thi vì nếu trễ hơn, các cấp ngành không kịp tổng hợp để báo cáo.

Theo ông Tùng, để lấy ý kiến với dự án luật phức tạp, cần xác định rõ nhóm đối tượng trọng tâm gắn với nhóm vấn đề trọng tâm; trường hợp phân tách ra sẽ khiến các ý kiến dàn trải, khó tổng hợp và không chuyên sâu.

Ông Tùng lấy ví dụ về quy định bồi thường, tái định cư cho người dân khi thu hồi đất được quan tâm, nên có thể coi đây là vấn đề cần lấy ý kiến trọng tâm.

Ngoài ra, trong dự thảo lấy ý kiến, Chính phủ nêu 12 nhóm vấn đề trọng tâm nhưng có những nội dung quan trọng chưa được chỉ ra. Trong đó, nguyên tắc đảm bảo cho người dân bị thu hồi đất để có cuộc sống tốt hơn cũng chưa được nêu rõ để người dân thảo luận.

Vì vậy, ông Tùng đề nghị cần có bản thuyết minh đầy đủ về những vấn đề lớn liên quan lợi ích hợp pháp. Mỗi nhóm vấn đề cần lý lẽ kèm theo, ưu điểm hạn chế của từng loại để người dân tham gia có cơ sở đóng góp ý kiến.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết để tránh trùng với thời gian nghỉ Tết, đảm bảo chất lượng lấy ý kiến người dân về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023.

Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến và có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội thông qua các nội dung liên quan.

Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch Quốc hội: Chuyên gia còn không hiểu, dân làm sao góp ý?" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#