Chứng khoán 2023 dự báo kém hấp dẫn giới đầu tư

Sau những biến động mạnh của thị trường năm 2022, nhà đầu tư dường như vẫn chưa thoát khỏi tâm lý tiêu cực trong ngắn hạn và dòng tiền vẫn đang bị rút sang những kênh đầu tư an toàn hơn.

Báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, chỉ số VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 – 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm – thấp hơn 18% so với mức đỉnh của năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số cũng có thể sẽ có lúc rơi xuống khoảng 900 điểm trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Thanh khoản bình quân trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCom.

Giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022, tương ứng với mức trung bình mỗi phiên đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng tính trên cả 3 sàn.

Lý giải về sự suy giảm này, VCBS cho rằng sau những biến động mạnh của thị trường, nhà đầu tư dường như vẫn chưa thoát khỏi tâm lý tiêu cực trong ngắn hạn và dòng tiền vẫn đang bị rút sang những kênh đầu tư an toàn hơn.

Mặt khác, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 - dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh mà dao động đi ngang trong biên độ lớn.

Đánh giá về các ngành nghề tiềm năng trong năm 2023, VCBS cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn ổn định. Mặc dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc doanh với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Thứ hai, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Việc cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng khiến cho triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan. 

Nhưng xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Thứ ba, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ ”. Nhà đầu tư có thể lựa chọn doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Mặt khác, đây đều là các nhóm ngành đã có sự phục hồi nhất định từ giữa năm 2022 sau khi Việt Nam kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội. 

Trong bối cảnh hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những cổ phiếu như vậy sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,…

Cuối cùng là nhóm cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ổn định, cổ tức tiền mặt cao. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.