Chứng khoán giảm sốc, nhà đầu tư bán tháo

Thông tin siết vốn khiến cho thị trường chứng khoán, bất động sản đẩy áp lực bán tháo, dẫn đến VN-Index giảm sốc hơn 43 điểm trong phiên đầu tuần 17-1. Vốn hóa sàn Hose bốc hơi 168.700 tỉ đồng.

Đóng cửa thị trường, VN-Index giảm 43,18 điểm, xuống còn 1.452,84 điểm; VN30 giảm 44,96 điểm; HNX-Index giảm 21,52 điểm, còn 445,34 điểm; UpCom - Index giảm 2,86 điểm, còn 109,36 điểm.

Nếu như kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ giảm nhẹ 3,44 điểm, xuống 1.492,58 điểm thì sang phiên chiều, đà bán gia tăng. Hàng loạt cổ phiếu lớn, nhỏ giảm sàn la liệt mà nhà đầu tư chưa hiểu được lý do chính từ đâu.

Tuy vậy, trên thị trường, một số "room" chứng khoán lại có tin rằng cơ quan chức năng sẽ "siết" hoạt động của các công ty chứng khoán, đặc biệt việc ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ siết dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như bất động sản trong thời gian tới đã kéo đà bán tháo gia tăng trong phiên hôm nay.

Hàng loạt cổ phiếu bán sàn, nhà đầu tư hoang mang

Trên sàn Hose có tổng cộng 446 mã giảm giá, chỉ 49 mã tăng và 18 mã đứng giá. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đầu phiên được đánh giá là nhóm giữ giá tốt trong phiên này.

Với việc nhiều mã giữ sắc xanh, thậm chí tăng mạnh như: CTG, BID, TPB, VCB… Tuy nhiên, cuối phiên tất cả đều giảm mạnh, chỉ còn duy nhất VCB tăng giá.

Còn trong nhóm VN30 hôm nay duy nhất mã VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tăng 1.800 đồng/cổ phiếu, còn lại tất cả đều giảm, trong đó mã giảm sàn như: SSI, POW, VRE, GVR, KDH...

Còn nhóm cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (FLS, ROS, HAI, KLF..) và các mã bất động sản tăng nóng thời gian qua vẫn giữ mức sàn từ đầu phiên như: CII, DRH, DIG…

Thanh khoản tiếp tục giảm với tổng giá trị trên 3 sàn chỉ hơn 37.200 tỉ đồng, riêng sàn Hose đạt trên 31.200 tỉ đồng. Điều này cho thấy tâm lý bắt đáy chưa xuất hiện, nhà đầu tư vẫn còn thận trọng và lo lắng sự giảm điểm của thị trường sẽ còn tiếp tục. Đặc biệt, việc giảm sốc này đã kéo vốn hóa thị trường giảm mạnh. Chỉ riêng sàn Hose đã giảm hơn 168.700 tỉ đồng, chỉ còn 5.669.870 tỉ đồng.

Nhận định phiên này, môi giới cũng như lãnh đạo các công ty chứng khoán đều cho rằng dư chấn bỏ cọc đấu giá đất vàng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như việc bán "chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết chưa được xoa dịu thì câu chuyện dòng vốn lại tiếp tục khiến nhà đầu tư lo lắng. Chỉ còn vài phiên nữa là đến kỳ nghỉ Tết dài, nếu nhà đầu tư gặp áp lực vay margin càng không muốn giữ cổ phiếu cho nên câu chuyện bán tháo càng dễ hiểu.

Ngoài ra, một số công ty chứng khoán cắt giảm margin (cho vay cầm cố cổ phiếu) cuối năm ảnh hưởng đến thị trường. Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài, ngại về việc FED có thể sớm cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế trong năm 2022, cũng như biến chủng mới Covid-19 có thể khó lường và ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.

Có thể nói, đây là phiên giảm điểm mạnh nhất từ sau thông tin đại dịch Covid - 19 bùng phát, TP HCM, phải thực hiện giãn cách hồi tháng 8 vừa qua. Mức giảm này, làm "bay" sạch hết thành quả mà nhiều nhà đầu tư đã có được trong 5 tháng qua.