Chứng khoán Mỹ chốt tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020, giá dầu bất ngờ “bay” 6%

Cả ba chỉ số chính cùng chốt tuần với mức giảm mạnh, trong đó S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/6), trong nỗ lực gượng dậy sau những phiên bán tháo dữ dội trong trong tuần. Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính cùng chốt tuần với mức giảm mạnh, trong đó S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.

Giá dầu thô sụt 6% khi nhà đầu tư lo ngại việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh tăng lãi suất sẽ gây giảm tốc kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Giá Bitcoin cầm cự mốc 20.000 USD sau khi giảm 30% trong tuần.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 38,29 điểm, tương đương giảm 0,13%, còn 29.888,78 điểm. S&P 500 tăng 0,22%, đạt 3.674,84 điểm. Nasdaq tăng 1,43%, đạt 10.798,35 điểm.

Thị trường giằng co trong suốt phiên giao dịch, với cả ba chỉ số cùng liên tục chuyển trạng thái giữa giảm và tăng, khi mối lo suy thoái kinh tế đè nặng tâm trí nhà đầu tư.

Một loạt số liệu thống kê kinh tế Mỹ tuần này không đạt dự báo, từ doanh số bán lẻ tháng 5 cho tới số nhà mới khởi công. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư tiến hành đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994.

Cả tuần, S&P 500 giảm 5,8%. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số hiện đã giảm trên 15% so với mức đỉnh gần đây.

Dow Jones đã để mất mốc 30.000 điểm trong tuần này, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Cả tuần, chỉ số giảm 4,8%, đánh dấu tuần giảm thứ 11 trong vòng 12 tuần trở lại đây. Nasdaq cũng hoàn tất một tuần giảm mạnh với mức giảm 4,8%.

“Rõ ràng, có một số biến động trên thị trường. Điều này sẽ còn tiếp diễn, xét tới sự bấp bênh ngày càng gia tăng”, ông John Canavan, trưởng phân tích của Oxford Economics, phát biểu. “Tôi thực sự tin rằng sau những biến động cực đoan mà chúng ta chứng kiến trong tuần này, thị trường đã phần nào cảm thấy kiệt sức”.

Sau những phiên bán tháo ròng rã vì nỗi lo lãi suất tăng, cổ phiếu công nghệ cố gắng hồi phục trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng mức tăng khá khiêm tốn. Amazon tăng 2,5%, trong khi Apple, Nvidia và Netflix tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu.

Cũng bị bán tháo trong những phiên trước, loạt cổ phiếu liên quan đến du lịch và đi lại tăng mạnh hơn trong phiên này, điển hình là Carnival và Norwegian Cruise Line với mức tăng 10%.

Các nhóm tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin tăng khoảng 1% trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng giảm trong cả tuần. Nhóm năng lượng giảm 5,5% tuần này.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 6,69 USD/thùng trong phiên ngày thứ Sáu, tương đương giảm 5,6%, chốt ở mức 113,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 8,03 USD/thùng, tương đương giảm 6,8%, còn 109,56 USD/thùng.

Ngoài mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá dầu tuần này còn chịu áp lực giảm từ việc tỷ giá đồng USD lập đỉnh mới của 2 thập kỷ so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác.

Mức giá chốt tuần của dầu là thấp nhất kể từ hôm 20/5 đối với dầu Brent và kể từ hôm 12/5 đối với dầu WTI. Phiên ngày thứ Sáu là phiên giảm mạnh nhất của dầu Brent kể từ đầu tháng 5 và của dầu WTI kể từ cuối tháng 3.

Tuần này là tuần giảm đầu tiên của dầu Brent trong 5 tuần trở lại đây, và là tuần giảm đầu tiên của dầu WTI trong 8 tuần.

Ngày thứ Hai tuần tới, thị trường tài chính Mỹ nghỉ lễ Juneteenth.

Trong một diễn biến gây bất lợi khác cho giá dầu, Nga dự báo xuất khẩu dầu của nước này sẽ tăng trong năm 2022, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và lệnh cấm vận dầu lửa Nga mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mới đây – theo hãng thông tấn Tass.

“Giá dầu thô sụt giảm khi đồng USD tăng giá, Nga phát tín hiệu tăng xuất khẩu dầu, và mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

Giá xăng và dầu diesel giao sau ở Mỹ giảm hơn 4% trong phiên ngày thứ Sáu, do lo ngại giá xăng bán lẻ cao sẽ gây giảm nhu cầu.

Theo dữ liệu từ AAA, giá bán lẻ dầu diesel ở Mỹ đã lập kỷ lục bình quân toàn quốc ở mức 5,798 USD/gallon vào hôm thứ Sáu. Trước đó trong tuần, giá bán lẻ xăng bình quân ở Mỹ lập kỷ lục 5,016 USD/gallon.

Phát biểu ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định cam kết chống lạm phát, sau khi Fed có đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào hôm thứ Tư. Ông nói Fed “đang hoàn toàn tập trung vào mục tiêu đưa lạm phát về 2%”.

Sau khi giảm 30% trong tuần, giá tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin đang chững lại trên ngưỡng 20.000 USD. Tuần này, thị trường tiền ảo bán tháo theo các tài sản rủi ro khác, khiến tổng vốn hoá tuột khỏi mốc 1.000 tỷ USD, thậm chí không giữ được mốc 900 tỷ USD.

Lúc hơn 9h sáng thứ Bảy theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 20.478 USD, giảm gần 1,4% so với cách đó 24 tiếng. Tổng vốn hoá thị trường tiền ảo toàn cầu cùng thời điểm là hơn 887 tỷ USD.