Trong phiên giao dịch hôm 16/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021.
Thị trường Mỹ đã đi lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994. Nhưng đà tăng nhanh chóng đảo chiều trong phiên giao dịch ngày hôm sau.
Chỉ số Dow Jones giảm 2,42%, tương đương 741,46 điểm, xuống 29.927,07 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 123,22 điểm còn 3.666,77 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ lao dốc 4,08% về mức 10.646,10 điểm.
Tính từ đầu tuần, chỉ số S&P 500 đã giảm 6%, trong khi chỉ số S&P mất 6,1%. Chỉ số Dow Jones lao dốc 4,7% trong tuần này và đang tiến tới tuần giảm thứ 11 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã giảm lần lượt 24% và 34% so với ngưỡng kỷ lục. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm 18% từ mức cao nhất được thiết lập vào ngày 5/1.
Giới đầu tư lo ngại rằng việc FED mạnh tay nâng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Ảnh: Reuters.
"Động thái được FED đưa ra ngày hôm qua giống với dự đoán của giới đầu tư. Nó giúp đối phó với lạm phát tăng ngoài dự kiến", bà Susan Schmidt tại Aviva Investors bình luận. "Nhưng giờ, các nhà đầu tư đã nhớ lại rằng điều này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái", bà bình luận.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, bà Anna Wong - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg - dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.
Phiên giao dịch hôm 16/6 đánh dấu lần đầu chỉ số Dow Jones rơi xuống dưới ngưỡng 30.000 điểm kể từ tháng 1 năm ngoái. Vào tháng 11/2020, các gói kích thích tài chính và tiền tệ đã giúp thúc đẩy thị trường, đưa Dow Jones lần đầu vượt mốc này.