Hình minh họa |
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/6), chỉ số Dow Jones rớt 253,88 điểm (tương đương 0,8%) xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 mất gần 0,9% còn 3.785,38 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,3% xuống 11.028,74 điểm.
Ngày 30/6 giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2020, khi các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 khiến chứng khoán lao dốc. Nasdaq Composite sụt 22,4% trong quý 2/2022, cũng là quý tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
S&P 500 sụt 20,6% trong 6 tháng qua, rơi vào thị trường gấu và ghi nhận nửa đầu năm tệ hại nhất kể từ 1970. Các nhân tố tiêu cực tác động tới thị trường bao gồm lạm phát cao nhất 4 thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, xung đột quân sự Nga – Ukraine và chính sách phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc.
Bà Stephanie Lang, Giám đống đầu tư tại Homrich Berg, trả lời phỏng vấn CNBC: “Chúng ta vừa trải qua một đại dịch chưa từng có xưa nay, toàn bộ nền kinh tế phải đóng cửa. Rồi chúng ta còn có cả những phản ứng chưa từng có tiền lệ, cả về tài khóa lẫn tiền tệ. Tất cả đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo bao gồm nhu cầu tăng mạnh và chuỗi cung ứng đứt gãy. Giờ đây lạm phát lên cao nhất nhiều thập kỷ và Fed hoàn toàn bất ngờ”.
“Thị trường bị buộc phải điều chỉnh theo thực tế mới là Fed đang cố gắng chạy theo lạm phát và làm cho tăng trưởng chậm lại”, bà Lang nói thêm.
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 30/6 đi xuống sau khi Bộ Thương mại cho biết chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) tháng 5 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Core PCE là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed.
Tuy con số tháng 5 giảm 0,2 điểm % so với tháng trước nhưng vẫn đang ở vùng cao nhất kể từ thập niên 1980.
Từ đầu năm đến nay, Fed đã phải nâng lãi suất ba lần vào tháng 3, 5 và 6 để cố gắng kiềm chế lạm phát. Dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ để làm chậm đà tăng của giá cả.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như:
Khối ngoại tiếp tục rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, STB được “gom” mạnh nhất
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch cuối tháng 6 khi có tới 21 mã giảm giá, 4 mã đứng ...