Chứng khoán Mỹ hồi nhẹ sau 4 phiên đỏ liên tiếp, giá dầu tăng dè dặt

Dù hồi phục phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn đang trên đà hoàn tất một tuần và một tháng giảm, trong đó Dow Jones đã giảm 5,03% từ đầu tháng...

chung-khoan-my-1671587491.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (20/12), khi nhà đầu tư lấy lại được bình tĩnh sau cú sốc gây ra bởi động thái bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Giá dầu thô biến động mạnh rồi chốt phiên trong trạng thái tăng nhẹ, khi bão tuyết ở Mỹ dẫn tới lo ngại rằng nhiều người phải từ bỏ kế hoạch đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 92,2 điểm, tương đương tăng 0,28%, đạt 32.849,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, đạt 3.821,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,01%, chốt ở 10.574,11 điểm.

Trước đó cùng ngày, BOJ mở rộng biên độ cho phép của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm - một động thái khiến các nhà giao dịch trên toàn cầu sửng sốt và phản ứng ngay lập tức bằng cách bán mạnh cổ phiếu và trái phiếu. Lợi suất trái phiếu tăng làm gia tăng sức ép nâng lãi suất đối với các ngân hàng trung ương khác, giữa lúc một loạt ngân hàng trung ương lớn gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất vào tuần trước.

Sau cú sụt vào đầu phiên, các chỉ số dần hồi phục trong phiên giao dịch, khi các nhà giao dịch lấy lại niềm tin rằng hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ dừng việc tăng lãi suất trong năm 2023.

“Hơn 90% ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay, đánh dấu nỗ lực phối hợp chính sách tiền tệ toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Tin tốt là gì? Chúng ta đang tiến gần tới phần cuối của chu kỳ tăng lãi suất. Điều đó sẽ giảm bớt những trở ngại mà chúng ta đã chứng kiến trên thị trường tài chính toàn cầu trong năm nay”, chiến lược gia trái phiếu Lawrence Billum của LPL Financial phát biểu trên CNBC.

Dù hồi phục phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn đang trên đà hoàn tất một tuần và một tháng giảm. Dow Jones đã giảm 5,03% từ đầu tháng, trong khi S&P 500 mất 6,43% và Nasdaq trượt 8,03%.

Trong các phiên giao dịch còn lại của tuần, nhà đầu tư ở Phố Wall chờ đợi các báo cáo tài chính của Nike và FedEx, dữ liệu về thị trường bất động sản, và đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đó lạm phát được Fed ưa chuộng, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,19 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 79,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,9 USD/thùng, chốtnowr 76,09 USD/thùng.

Dầu tăng giá nhờ đồng USD suy yếu và kế hoạch của Mỹ mua dầu cho dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) sau khi Washington xả mạnh dự trữ này trong năm nay. Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu bị hạn chế bởi mối lo về số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc và thời tiết xấu ở Mỹ.

Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch mua tới 3 triệu thùng dầu cho dự trữ SPR, sau khi xả kỷ lục 180 triệu thùng dầu để kéo giá dầu xuống từ mức cao nhất 15 năm trong năm nay.

Kể từ khi Trung Quốc nới các biện pháp Zero Covid gần đây, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng mạnh. Điều này gây lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc và dẫn tới bấp bênh đối với sự phục hồi kinh tế của nước này - theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets.

Các vùng Midwest và Great Lakes của Mỹ có thể xuất hiện một trận bão tuyết lớn từ ngày thứ Năm tuần này, trong khi dòng không khí lạnh di chuyển về phía Đông có thể gây đóng băng, làm nhiệt độ giảm sâu trên toàn quốc. Thời tiết bất lợi có thể gây hạn chế đối với hoạt động đi lại trong mùa nghỉ lễ, từ đó gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.