Mối lo suy thoái ngày càng lớn, cả chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng lao dốc

Cổ phiếu ở Phố Wall đang ở trong một cuộc bán tháo cuối năm, khi phủ bóng lên thị trường là nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, thậm chí trên toàn cầu...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/12), hoàn tất một tuần trượt dốc trong bối cảnh mối lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn. Giá dầu thô cũng “bốc hơi” thêm hơn 2 USD/thùng vì nhà đầu tư lo rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ sụt giảm nhiều hơn nguồn cung.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 281,76 điểm, tương đương giảm 0,85%, còn 32.920,46 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,11%, còn 3.852,36 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,97%, còn 10.705,41 điểm.

Cổ phiếu ở Phố Wall đang ở trong một cuộc bán tháo cuối năm, khi phủ bóng lên thị trường là nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, thậm chí trên toàn cầu, khi Cục Dự trữ Liên bag Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục tăng lãi suất.

Tuần này là tuần giảm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ. S&P 500 mất 2,08% cả tuần, nâng mức giảm trong tháng 12 này lên 5,58%, dập tắt hy vọng trước đó của nhà đầu tư về một cuộc hồi phục cuối năm. Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 1,7% và 2,7% trong tuần này.

Tương tự như phiên trước, bán tháo của phiên này diễn ra trên diện rộng, cứ 3 cổ phiếu giảm giá mới có một cổ phiếu tăng giá trên sàn NYSE. Có thời điểm, chỉ có 10 cổ phiếu trong S&P 500 có sắc xanh. Bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu là những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất, chốt phiên với mức giảm tương ứng 3% và 1,7%.

Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, lên mức cao nhất 15 năm. Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, lên 5,1% - một mức lãi suất cực đại cao hơn dự báo trước đó. Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và dự báo tiếp tục tăng cho tới khi kiểm soát được lạm phát.

Quyết tâm chống lạm phát của các ngân hàng trung ương được khẳng định ngay cả khi nền kinh tế đang trượt dần vào suy thoái.

“Có vẻ như thị trường cuối cùng bắt đầu hiểu ra rằng tin xấu là tin xấu… Sau khi lập đáy vào tháng 10, thị trường vẫn tiếp tục lạc quan rằng Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm. Cuối cùng, thị trường đã bắt đầu cho rằng tin xấu cũng có nghĩa là xấu”, nhà phân tích David Wagner của Aptus Capital Advisors phát biểu, ý nói rằng trước đây thị trường coi tin xấu về kinh tế là tin tốt vì đồng nghĩa nền kinh tế đang giảm tốc và Fed sẽ trên cơ sở đó sớm chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn. Giờ đây, Fed vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho dù nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,17 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 79,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York giảm 1,82 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 74,29 USD/thùng.

“Đột nhiên, tất cả mọi người cùng nói về sự phá hủy nhu cầu trong bối cảnh suy thoái. Tình hình kinh tế chẳng có gì sáng sủa. Giá dầu rất có thể lại trượt về ngưỡng 70 USD/thùng. Từ mức giá đó, mọi chuyện lại có thể trở nên rất xấu”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho, ông Robert Yawger, nhận định.

Giá dầu đã tăng mạnh trong 3 phiên đầu tuần này do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung khi đường ống dẫn dầu Keystone nối giữa Canada và Mỹ phải đóng cửa vì sự cố rò rỉ. Việc Trung Quốc nới lỏng các quy định chống Covid-19 cũng có lợi cho giá dầu.

Tuy nhiên, sự cứng rắn của Fed, đường ống Keystone mở cửa trở lại, và số ca nhiễm Covid tăng mạnh ở Trung Quốc đã khiến giá vàng quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch cuối của tuần. Một chút hy vọng đã đến từ dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm tới, nhưng hy vọng này nhanh chóng bị che phủ bởi mối lo kinh tế.