Chứng khoán Mỹ lao dốc, hàng nghìn tỷ USD bị "thổi bay"

Đà giảm của Chứng khoán đã “thổi bay” hơn 9.000 tỷ USD khỏi “túi” của các hộ gia đình Mỹ. Giới nhà giàu là nhóm chịu tổn thất nặng nề nhất, vì số chứng khoán mà họ sở hữu áp đảo những người khác. Fed cho biết, top 10% những người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8.000 tỷ USD vì thị trường chứng khoán trong năm nay, tương ứng với mức giảm 22%.

Nghìn tỷ USD bốc hơi

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 27/9 khi nhà đầu tư đón nhận một số dữ liệu kinh tế mới và phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 125,82 điểm, tương đương 0,4%, xuống 29.134,99 điểm, phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp. Trong phiên giao dịch 26/9, chỉ số này chính thức rơi vào thị trường giá xuống.

Chứng khoán Mỹ lao dốc, hàng nghìn tỷ USD bị
Chứng khoán Mỹ lao dốc, hàng nghìn tỷ USD bị "thổi bay". Hình minh họa.

Chỉ số S&P 500 giảm 7,75 điểm, tương đương 0,21% xuống 3.647,29 điểm, thiết lập đáy mới của năm 2022 trong hai ngày liên tiếp. Chỉ số này cũng giảm trong sáu phiên giao dịch gần nhất, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020, theo Dow Jones Market Data.

Diễn biến phiên giao dịch 27/9 kéo dài chuỗi ngày “đáng quên” đối với các thị trường tài chính trong năm 2022. Chứng khoán và trái phiếu đều giảm giá mạnh từ đầu năm, phản ánh tâm lý tiêu cực từ phía nhà đầu tư. Cả ba chỉ số chứng khoán chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đang hướng tới giai đoạn 9 tháng đầu năm giảm điểm mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ.

Lạm phát cao là nguyên nhân chính kéo giảm các thị trường từ đầu năm nay. Fed đã phản ứng lại bằng cách liên tục tăng lãi suất, làm gia tăng quan ngại nền kinh tế số một thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Một số nhà đầu tư trước đó nuôi hy vọng rằng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ sớm kết thúc, động lực kéo thị trường đi lên trong mùa hè vừa qua. Nhưng những hy vọng đó đã sớm lụi tàn. Thay vào đó là quan ngại về các đợt tăng mạnh lãi suất tiếp theo và tăng trưởng kinh tế yếu.

Thị trường chứng khoán lao dốc đã lấy mất hơn 9.000 tỷ USD tài sản của các hộ gia đình Mỹ, gây áp lực lên tình hình tài chính và chi tiêu của người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các khoản nắm giữ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tương hỗ của người dân Mỹ đã giảm xuống 33 nghìn tỷ USD tại cuối quý 2/2022, giảm từ mức 42.000 tỷ USD hồi đầu năm, theo dữ liệu của Fed. Trong bối cảnh các chỉ số cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh kể từ đầu tháng 7/2022, các chuyên gia cho rằng thiệt hại từ thị trường tài chính có thể lên tới 9.500 - 10.000 tỷ USD.

Các nhà kinh tế nói rằng, mất mát của thị trường có thể sẽ sớm lan tỏa trong nền kinh tế, qua đó gia tăng áp lực lên vấn đề tài chính của người dân, có nguy cơ làm gây hại cho hoạt động chi tiêu, vay nợ và đầu tư.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, đánh giá những tổn thất này có thể khiến tăng trưởng GDP thực của Mỹ giảm gần 0,2 điểm % trong năm tới. Ông cảnh báo: “Nếu cứ tiếp diễn, thiệt hại từ thị trường chứng khoán sẽ trở thành lực cản nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn tới chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới”.

Giới nhà giàu tổn thất nặng nề

Giới nhà giàu là nhóm chịu tổn thất nặng nề nhất, vì số chứng khoán mà họ sở hữu áp đảo những người khác. Fed cho biết, top 10% những người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8.000 tỷ USD vì thị trường chứng khoán trong năm nay, tương ứng với mức giảm 22%. Top 1% thiệt hại hơn 5.000 tỷ USD. 50% người có thu nhập thấp nhất mất khoảng 70 tỷ USD.

Những mất mát trên đánh dấu bước ngoặt đột ngột và khổng lồ với những nhà đầu tư từng chứng kiến tài sản tăng vọt nhờ cổ phiếu thăng hoa trong đại dịch. Tính từ lúc thị trường xuống đáy năm 2020 tới khi lập đỉnh vào cuối năm 2021, tài sản chứng khoán của người Mỹ đã tăng gần hai lần, từ 22.000 đến 42.000 tỷ USD.

Phần lợi ích lớn nhất tập trung vào tay những người giàu, vì top 10% những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tới 89% lượng cổ phiếu do cá nhân nắm giữ, theo số liệu của Fed.

Giá bất động sản gia tăng cũng không đủ để bù đắp cho mức giảm của thị trường. Giá trị tài sản nhà ở tại Mỹ tăng 3.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 lên 41.000 tỷ USD. Mức tăng này chỉ bằng khoảng 1/3 mất mát trên thị trường chứng khoán. Và trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp đi lên, giá nhà tại nhiều khu vực đã bắt đầu đi xuống hoặc hạ nhiệt.

Mức giảm của tài sản các hộ gia đình Mỹ lần này vượt xa thiệt hại hàng quý 6.000 tỷ USD trong giai đoạn đầu của đại dịch năm 2020. Tuy chứng khoán Mỹ đã chứng kiến những mức giảm lớn hơn theo tỷ lệ %, tổn thất tính theo giá trị tuyệt đối trong năm nay lại vào hàng lớn nhất từ trước đến nay.

Câu hỏi quan trọng là thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc đến mức nào thì sẽ tác động đến chi tiêu tiêu dùng. Hiện tại, gần như không có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu. Nhưng một số người cho rằng “hiệu ứng của cải âm” – lý thuyết nói rằng sự suy giảm của của cải sẽ dẫn tới sự sụt giảm của chi tiêu – có thể sẽ sớm xuất hiện, đặc biệt là nếu làn sóng bán tháo tiếp diễn.

Nhà kinh tế Zandi cho rằng, tổn thất từ chứng khoán có thể khiến chi tiêu tiêu dùng Mỹ giảm 54 tỷ USD trong năm sau. Nhưng ông cũng nhận định “hiệu ứng của cải-chứng khoán” hiện nay nhỏ hơn trong quá khứ, vì người giàu sở hữu tỷ trọng chứng khoán rất lớn và họ đã “tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong đại dịch”.

Ông nói thêm: “Vì những nhà đầu tư lớn nhất này có khoản tiết kiệm cực lớn nên họ có thể không cần phải tiết kiệm nhiều hơn dù của cải trên thị trường sụt giảm”.