Chứng khoán Mỹ sụt điểm vì nỗi lo lạm phát, kinh tế giảm tốc

Thị trường chứng khoán Mỹ trượt điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/10). Các chỉ số đã giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng lực bán tăng mạnh trong giờ cuối cùng của phiên, khiến cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức đáy...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ trượt điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/10), khi nhà đầu tư thận trọng trước đà tăng liên tục của giá dầu, những dự báo kinh tế bất lợi, và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 chuẩn bị bắt đầu trong tuần này.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,7%, còn 34.496,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 4.361,19 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,6%, còn 14.486,2 điểm.

Các chỉ số đã giằng co trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng lực bán tăng mạnh trong giờ cuối cùng của phiên, khiến cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức đáy.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là thị trường cố gắng xác định và diễn giải tất cả những dữ liệu đầu vào. Sẽ phải mất một thời gian để mọi thứ được xác định rõ ràng”, nhà quản lý quỹ Lo Toney của Plexo Capital nhận định với hãng tin CNBC.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có lúc vượt 82 USD/thùng trong phiên này. Tốc độ tăng chóng mặt của giá dầu thời gian gần đây đã làm gia tăng mối lo lạm phát trên toàn cầu.

“Giá năng lượng tăng cao đã từng gây ra những cuộc suy thoái trước đây. Lịch sử có thể lặp lại nếu giá dầu tiếp tục tăng. Giá năng lượng cao dẫn tới thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ít đi”, chuyên gia Neil Beveridge của Bernstein nhận định trong một báo cáo.

Ngân hàng Goldman Sachs ngày 11/10 cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thay vì mức dự báo tăng 4,4% đưa ra trước đó. Dự báo cho năm 2021 cũng giảm còn 5,6% từ 5,7%. Cơ sở mà Goldman Sachs đưa ra cho việc cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ là các biện pháp kích cầu tài khoá kết thúc và sự phục hồi chậm hơn dự kiến của tiêu dùng, nhất là ở mảng dịch vụ.

“Đối với những hoạt động như đi xem phim ở rạp, nhiều người cho rằng xu hướng tiêu dùng bình thường phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới trở lại, đồng nghĩa sự bình thường hoàn toàn của các hoạt động kinh tế phải mất thêm thời gian mới được tái lập”, nhà kinh tế học Joseph Briggs của Goldman Sachs viết trong báo cáo.

Tuần này, một loạt ngân hàng lớn của Mỹ sẽ khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh ở Phố Wall, bắt đầu là JPMorgan Chase với báo cáo đưa ra vào ngày thứ Tư, tiếp đến sẽ là Goldman Sachs, Bank of America, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 trong quý 3 tăng bình quân 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao thứ ba kể từ 2010.

Sau khi giảm 4,8% trong tháng 9, S&P 500 hiện tăng hơn 1% trong tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 4% so với mức kỷ lục.