Hàng loạt 'vấn đề nóng' ở ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Nếu so với tổng tài sản tại SCB sở hữu có thể thấy sự “lệch pha” quá lớn giữa lợi nhuận và tổng tài sản.

Cho doanh nghiệp vay hàng nghìn tỷ, SCB dính vào đại án Vinafood 2

Thanh tra Chính phủ có kết luận số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm của Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Công ty TNHH quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh với diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.

Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng.

Cụ thể, ở lần thứ nhất, cơ quan thanh tra phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 lô đất trên để vay 518 tỉ đồng nhằm trả nợ cho các công ty con.

Lần thứ hai, Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận trên, kèm chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo hơn 7.251 tỉ đồng, phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) và các công ty công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung, cùng giá trị đảm bảo là 6.308 tỉ đồng. Ngân hàng SCB là nơi tiếp nhận giải ngân nhiều hồ sơ được lập khống của công ty Vinafood 2. Việc này được thực hiện bằng cách lập hồ sơ dự án “khống” với 4 cơ sở nhà đất, lấy tên là The Goldmark Preminum Tower.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng SCB, có mục đích vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này và được giải ngân ngay”.

Cơ quan thanh tra đã có kiến nghị Thủ tướng để xử lý vụ việc nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, không gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Để thu hồi tài sản Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh xử lý thu hồi khu đất công tại quận 1 đang bị Vinafood 2 thâu tóm; đôn đốc và giám sát, các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Giao Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng số 28355 “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu.

Sau khi có bản án, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh hủy kết quả xác nhận nội dung đăng ký biến động ngày 25/3/2016, thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 và thu hồi đất tại 4 cơ sở nhà đất nói trên để quản lý, khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

Giao Công an TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra việc phá dỡ tài sản Nhà nước tại số 42 đường Chu Mạnh Trinh khi Vinafood 2 chưa thực hiện nộp tiền giá trị công trình xây dựng theo thông báo của Sở Tài chính; xác định giá trị thiệt hại tài sản Nhà nước bị phá dỡ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để xử lý theo quy định pháp luật.

Giao Cục thuế TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh làm rõ việc gian lận thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển nhượng lòng vòng qua cá nhân để hưởng thuế suất 0,1% đối với hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 của 4 cơ sở nhà, đất nói trên. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm nêu tại kết luận này đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.

Cũng liên quan đến loạt sai phạm xảy ra tại Vinafood 2, ngày 29/5 vừa qua, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng đại diện một số Bộ, Ban ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP HCM để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các vụ án, vụ việc khác.

Đối với sai phạm xảy ra tại Vinafood 2 do Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đề nghị Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ chuyển đến.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm với tinh thần: Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó. Có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới chuyển… Báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước ngày 30/6.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Ngày 6/7, Thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước có quyết định xử phạt Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, SCB bị phạt tiền 85 triệu đồng vì không báo cáo cơ quan quản lý đối với nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán ra công chúng năm 2021 và báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã soát xét.

Nhà băng này cũng báo cáo không đúng thời hạn đối với báo cáo thường niên 2019, báo cáo tài chính quý IV/2019 riêng và hợp nhất, báo cáo tài chính riêng quý IV/2020.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng đây là những thông tin bắt buộc phải báo cáo theo quy định pháp luật.

Trước đó SCB thông báo đã bán gần 479 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chiếm 96% số lượng cố phiếu đăng ký chào bán.

Mục đích đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu lần này của SCB nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh để đảm bảo các mục tiêu kinh doanh và phát triển trong thời gian tới.

SCB cho biết sẽ dùng 4.000 tỷ đồng để phát triển tín dụng và 1.000 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ để bổ sung tài sản thanh khoản, củng cố và nâng cao tỷ lệ dự trữ thanh khoản, đồng thời đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo thông tư 22/2019 và lộ trình đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo thông tư 41/2016 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tại đề án cơ cấu lại.

Khi hoàn tất chào bán, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng thêm hơn 4.788 tỷ đồng, lên mức gần 20.020 tỷ đồng.

SCB là một trong số ít ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại đại hội cổ đông bất thường của SCB hồi cuối năm 2020 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng này thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030, đồng thời niêm yết cổ phiếu SCB lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chậm nhất là năm 2025.

Hiện SCB cũng chưa tổ chức đại hội thường niên năm 2020 và năm 2021.

Mới đây, SCB cho biết đã ra quyết định sa thải bà P.H.T., đồng thời có công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an để làm sáng tỏ việc bà này làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền, gây thiệt hại cho Công ty CP đầu tư N&T.

Trong công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an, SCB cho biết Công ty CP đầu tư N&T có đại diện theo pháp luật là ông N.N.N. đến SCB Nguyễn Kiệm để vay 630 tỉ đồng đầu tư dự án. Doanh nghiệp này làm việc với bà P.H.T. - giám đốc SCB Nguyễn Kiệm. Bà P.H.T. và ông N.N.N. có quen biết trước đó.

Ngày 24-3-2021, do quá lâu không thấy được cấp tín dụng và nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Công ty CP đầu tư N&T gửi đơn tố cáo bà P.H.T. làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền gây thiệt hại cho công ty với số tiền gần 8 tỉ đồng.

Ngay khi nhận được đơn tố cáo của Công ty CP đầu tư N&T, SCB kiểm tra, rà soát hồ sơ, giấy tờ mà bà P.H.T. thực hiện và giao cho Công ty CP đầu tư N&T.

"Qua quá trình làm việc với Công ty CP đầu tư N&T cùng bà P.H.T., SCB nhận thấy các hành vi của bà P.H.T. có dấu hiệu vi phạm luật hình sự; phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015", SCB cho biết.

Theo Báo cáo tài chính của SCB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng đạt 487,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận quý II của SCB đạt 16 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Thế nhưng, thu nhập lãi thuần của SCB ở quý này lại giảm sâu nhất trong 4 quý trở lại đây, khi âm tới 1.131 tỷ đồng, dẫn tới lũy kế 6 tháng đầu năm của SCB âm đến 1.236 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, thu nhập lãi thuần của SCB đạt 302,99 tỷ đồng.

Số liệu báo cáo cho thấy các chỉ số tài chính của SCB đều ở mức thấp và thiếu bền vững trong hệ thống ngân hàng.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của SCB đạt 671.694 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng 2,6% đạt 360.406 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 2,5% đạt 479.216 tỷ đồng.

Dư nợ xấu của ngân hàng giảm mạnh hơn 60% xuống còn 3.212 tỷ đồng nhưng vẫn nằm trong top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến hết 30/6/2021. Ngân hàng hiện có 48.400 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong đó đã trích lập dự phòng được 7.936 tỷ đồng

Nếu so với tổng tài sản tại SCB sở hữu có thể thấy sự “lệch pha” quá lớn giữa lợi nhuận và tổng tài sản.

Chưa hết, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chân niêm yết lên sàn chứng khoán, nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát thì không hiểu vì sao SCB vẫn chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán?

Trong khi, đầu năm nay, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý 1/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng), dù thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi, song có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng nợ xấu lớn chưa được xử lý, chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại.

Trở lại với vụ việc của Vinafood 2, những bài học xương máu về công tác nhân sự, về quản trị ngân hàng, bài học về công tác thanh tra giám sát… lại một lần nữa được rút ra. Những cá nhân, tổ chức nào liên quan? Cần điều tra làm rõ để truy cứu, xử lý nghiêm trước pháp luật?…

Tuy nhiên, yêu cầu cấp thiết trước mắt đặt ra đối với ngành ngân hàng là cần sớm có giải pháp bít những “lỗ hổng” để không còn những vụ án như thời gian vừa qua. Và những giải pháp quan trọng phải được kịp thời thực hiện là:

Thứ nhất, đối với bản thân các ngân hàng, cần nâng cao vai trò của Ban kiểm soát, thành viên độc lập của HĐQT. Ban kiểm soát phải làm việc độc lập với các thành viên HĐQT để sớm có biện pháp ngăn chặn những sai phạm, tránh để đến khi cơ quan chức năng qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện thì đã muộn.

Thứ hai, đối với Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế để theo dõi kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra nội bộ của các ngân hàng thương mại. Phải ban hành bộ quy tắc về đạo đức kinh doanh trong ngân hàng và phải thực hiện nghiêm chỉnh.