Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/5), khi nhà đầu tư phấn khởi trước kết quả kinh doanh mới nhất từ Nvidia - động lực đưa cổ phiếu công nghệ tăng mạnh. Ngoài ra, dấu hiệu tích cực từ cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ cũng là một nhân tố quan trọng giúp thị trường đi lên.
Trong khi đó, giá dầu thô tụt 3% vì Nga bác bỏ khả năng OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào tuần tới.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 1,71%, chốt ở 12.968,09 điểm. S&P 500 tăng 0,88%, đạt 4.151,28 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 0,11%, còn 32.764,65 điểm, xuống dưới ngưỡng bình quân 200 này.
Cổ phiếu Nvidia tăng 24,4% sau khi hãng chip công bố doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 vượt dự báo của giới phân tích, đồng thời đưa ra kỳ vọng doanh thu quý 2 cao hơn mong đợi của thị trường. Nhu cầu tăng vọt đối với các sản phẩm chip của Nvidia dùng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là động lực phía sau kết quả kinh doanh khả quan này. Với phiên tăng này, giá trị vốn hoá thị trường của Nvidia đã tiến đến rất gần mốc 1 nghìn tỷ USD.
Loạt cổ phiếu con chip và trí tuệ nhân tạo khác tăng theo Nvidia. Advanced Micro Devices (AMD) và Taiwan Semiconductor (TSMC) tăng tương ứng 11,11% và 12%. Quỹ VanEck Semiconductor ETF tăng 8,6%, đạt mức cao nhất từ đầu năm. Alphabet và Microsoft tăng tương ứng 2,1% và 3,9%.
“Điểm chính ở đây là sự sáng tạo của công nghệ có thể lấn át những cơn gió ngược của một nền kinh tế giảm tốc hoặc lãi suất cao. Cổ phiếu công nghệ nói riêng và cổ phiếu tăng trưởng nói chung không hề chết”, Giám đốc đầu tư Dylan Kremer của công ty Certuity phát biểu.
Tuy nhiên, sự tăng điểm không diễn ra trên diện rộng. Chỉ một số cổ phiếu và nhóm ngành đang dẫn dắt thị trường lên cao hơn, trong khi một số khác tỏ ra đuối sức - theo Giám đốc đầu tư Keith Lerner của Truist.
“Những gì diễn ra trong phiên ngày hôm nay là sự mở rộng của những xu hướng vốn có được làm mạnh thêm bởi tin tức từ Nvidia”, ông Lerner nhận định. “Đây là câu chuyện thị trường hai nửa, với kẻ thắng tiếp tục nới rộng khoảng cách dẫn trước và kẻ thua càng thua đậm hơn”.
Cuộc đàm phán trần nợ Mỹ vẫn tiếp diễn trong bối cảnh thời điểm 1/6 mà Chính phủ nước này có thể vỡ nợ đang đến gần. Các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Quốc hội và Tổng thống Joe Biden được thúc đẩy trong ngày thứ Năm, và chỉ cần hai đảng nhất trí về số chi 70 tỷ USD là có thể đi đến thoả thuận - theo tin từ Reuters.
Sự bấp bênh đã đặt ra áp lực lớn đối với chứng khoán Mỹ trong tuần này. Dow Jones và S&P 500 đang trên đà hoàn tất một tuần giảm, với mức giảm tương ứng 2% và 1%. Riêng Nasdaq tăng 0,3% từ đầu tuần.
Hôm thứ Tư, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo hạ định hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức hoàn hảo AAA, cho rằng cuộc đàm phán trần nợ đặt ra khả năng cao Chính phủ Mỹ có thể mất khả năng thanh toán các hoá đơn. Dù vậy, Fitch cho biết vẫn kỳ vọng các bên sẽ đạt một thoả thuận kịp thời.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,1 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 76,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,51 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, còn 71,83 USD/thùng. Ở đáy của phiên, giá cả hai loại dầu cùng giảm hơn 3 USD/thùng.
Dầu thô rớt giá sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng ít có khả năng OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 4/6. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
“Tôi không cho là sẽ có thêm bất kỳ động thái mới nào, vì một số nước mới đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện cách đây 1 tháng”, tờ báo Nga Izvestia dẫn lời ông Novak.
Những ngày gần đây, các nước chủ chốt trong OPEC+ đưa ra những tín hiệu trái chiều về động thái chính sách tiếp theo, khiến cho thị trường khó đoán định liệu liên minh này sẽ làm gì trong cuộc họp tới.
Hôm thứ Ba, giá dầu được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia cảnh báo các nhà bán khống dầu - những người đặt cược giá dầu giảm - là “hãy chờ xem”. Thị trường đã xem lời cảnh báo này như một dấu hiệu cho thấy OPEC+ sẽ giảm thêm sản lượng tại cuộc họp sắp tới.
Chỉ một tuần trước cảnh báo của Saudi Arabia, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cần phải cắt giảm sản lượng để duy trì một mức giá nhất định.