Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp, dầu tụt giá vì đồng USD tăng

Thị trường tiếp tục dõi theo cuộc đàm phán trần nợ ở Washington, với hy vọng sẽ có một thoả thuận đạt được vào tuần tới...

chung-khoan-my-1684460606.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/5), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng đạt mức cao nhất trong 9 tháng, sau khi hãng bán lẻ Walmart nâng dự báo doanh thu cả năm và số liệu kinh tế khả quan giúp xoa dịu mối lo suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá do nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay, khiến giá dầu thô có một phiên giảm khá mạnh.

Ngoài ra, thị trường tiếp tục dõi theo cuộc đàm phán trần nợ ở Washington, với hy vọng sẽ có một thoả thuận đạt được vào tuần tới.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 115,14 điểm, tương đương tăng 0,34%, đạt 33.535,91 điểm. S&P 500 tăng 0,94%, đạt 4.198,05 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao nhất của cả hai chỉ số kể từ tháng 8 năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq tăng mạnh hơn, với mức tăng 1,51%, đạt 12.688,84 điểm. Trong số ba chỉ số, Nasdaq nhận được cú huých lớn hơn cả từ phiên tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ.

“Gã khổng lồ” Walmart công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 tốt hơn dự báo và nâng dự báo doanh thu cả năm, nói rằng người tiêu dùng vẫn duy trì mức chi tiêu. Những nhận định lạc quan của Walmart giúp bù lại báo cáo bi quan mà hai nhà bán lẻ lớn khác là Home Depot và Target đưa ra trước đó trong tuần này.

“Walmart đã mang tới một báo cáo rực rỡ để khép lại mùa báo cáo tài chính quý 1”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group nhận định.

Lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ trồi sụt theo từng thông tin từ Washington, nhưng thị trường vẫn hy vọng sẽ có một thoả thuận để tránh một vụ vỡ nợ thảm hoạ.

“Các nhà giao dịch đang thận trọng với khả năng Washington có thể sớm đạt một thoả thuận. Chúng ta đã từng chứng kiến khủng hoảng trần nợ xảy ra trước kia rồi, và Washington không muốn xảy ra vỡ nợ ngay trước một cuộc bầu cử lớn. Nhưng vì một lý do nào đó, nước Mỹ thực sự thích những sự kịch tính”, ông Detrick nói, nhắc đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Ngày 1/6 - thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo là có thể hết tiền - đang đến gần. Tuy nhiên, những phát biểu từ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ngày thứ Năm cho thấy các bên có thể đạt thoả thuận vào tuần tới.

“Đang có những bấp bênh quanh việc đến lúc nào thì Chính phủ Mỹ hết khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ. Điều này khiến thị trường hoang mang và đây là một môi trường nhiều rủi ro. Tuy nhiên, mọi người đều tin là kết cục sẽ không tồi tệ, ít nhất là trong dài hạn”, chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nhận định.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua thấp hơn dự báo. Dữ liệu này củng cố khả năng nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, nhưng đồng thời làm giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này tác động đến thị trường chứng khoán theo hai hướng, một mặt giúp nhà đầu tư bớt lo về sức khoẻ kinh tế, nhưng lại lo nhiều hơn về lãi suất cao. Phiên này, sự lạc quan dường như thắng thế.

Với phiên tăng ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất một tuần tăng khá mạnh. Nasdaq đã tăng 3,3% từ đầu tuần và S&P 500 tăng 1,8%, cùng tiến tới tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 31/3. Dow Jones tăng 0,7%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 75,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,97 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 71,86 USD/thùng.

Việc thị trường giảm đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất trong năm nay đã đẩy tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất 2 tháng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ở mức gần 103,6 điểm, từ mức 102,9 điểm của phiên trước.

Do dầu thô được định giá bằng USD, nên đồng USD tăng giá gây áp lực giảm cho giá dầu. Ngoài ra, với kinh tế còn vững, Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%, và điều này không có lợi cho triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

“Tin tốt cho nền kinh tế lại là tin xấu cho triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, vì sự vững vàng của nền kinh tế sẽ buộc Fed phải tiếp tục cứng rắn để kéo lạm phát xuống”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.