Liên minh HTX Việt Nam là cổ đông sáng lập của Ngân hàng thương mại Ngoài quốc doanh thành lập năm 1999, nay là ngân hàng VPBank với vốn góp được sử dụng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan. Đến hết năm 2020, số cổ phiếu mà Liên minh HTX Việt Nam nắm giữ tại VPBank là 5.369.068 cổ phiếu.
Lãnh đạo Liên minh HTX cho bán 1.200.000 cổ phiếu ngân hàng để làm gì?
Số cổ phiếu nêu trên là thành quả, công sức chắt chiu, thắt lưng buộc bụng của các thế hệ lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua. Có những lúc Liên minh HTX Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nhưng không ai dám tiêu, sử dụng (kể cả gốc và lãi của số cổ phiếu này).
Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khi thừa hưởng thành quả này đã ký ban hành Nghị quyết số 343/NQ ngày 26/8/2021 ghi rõ: “Đồng ý chuyển nhượng 100% cổ tức của tổ chức được chia trong 03 năm 2018, 2019, 2020 bằng cổ phiếu VPBank để gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu thời hạn 01 năm trở xuống của ngân hàng thương mại… Giao Văn phòng, Ban Kinh tế và Đầu tư phối hợp thực hiện ngay sau khi Liên minh HTX Việt Nam được chia cổ tức”.
Nhưng trước đó, dấu hiệu tiêu cực đã lộ ra khi ngày 09/2/2021 người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo bán 300.000 cổ phiếu không nằm trong số cổ tức được chia ở trên.
Tiếp đến, các ngày 04/11/2021, Liên minh HTX Việt Nam bán 100.000 cổ phiếu; 25/11/2021 bán 200.000 cổ phiếu; 20/01/2022 bán 300.000 cổ phiếu và tháng 9/2022 bán tiếp 300.000 cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phiếu mà người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo bán từ 2021, 2022 là 1.200.000 cổ phiếu, tương đương số tiền khoảng 50 tỷ đồng.
Dư luận trong cán bộ, nhân viên tại Liên minh đã đặt câu hỏi tại sao phải bán 1.200.000 cổ phiếu VPBank như vậy, mục đích để làm gì?
Phải chăng các năm 2018, 2019, ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã chi tiêu hết hàng trăm tỷ đồng từ lợi nhuận của Công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna (như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh ở các bài báo trước) nay không còn tiền, nên phải “giật gấu vá vai” bằng việc bán cổ phiếu ngân hàng? Và liệu có khuất tất, tiêu cực gì trong việc tham nhũng, chi sai quy định đối với số tiền 50 tỷ đồng từ bán cổ phiếu ngân hàng nêu trên?
Để mọi chuyện minh bạch rất cần cơ quan Kiểm toán, cơ quan Thanh tra làm rõ vấn đề này. Nhất là dòng tiền 50 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu ngân hàng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, có tham nhũng, tư túi, có chi sai mục đích hay không?
Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều vụ tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách của Nhà nước có những khoản thu tiền không nộp vào ngân sách cơ quan, đơn vị, để ngoài sổ sách kế toán tự thu, tự chi; không mở đầy đủ sổ sách kế toán, thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Đặc biệt là tình trạng một số cán bộ lãnh đạo tha hoá đã tranh thủ, cố tình lách luật rút ruột nguồn vốn, tài sản quốc gia để phục vụ cho lợi ích riêng của cá nhân mình và nhóm lợi ích.
Hệ luỵ “chúa chổm” nợ tiền thuế sử dụng đất
Bên cạnh vụ việc nêu trên, hệ luỵ từ việc thao túng của người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam trong việc sử dụng tài sản công sai mục đích, trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tiếp tục lộ rõ.
Cụ thể, được sử dụng 18.701m2 “đất vàng” tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm để xây dựng dự án Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã (dự án Phạm Hùng), Liên minh HTX Việt Nam đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2014/HĐHTĐT với Công ty cổ phần Hợp tác và Đầu tư Thăng Long (Lexus Thăng Long). Theo đó, hàng tháng Liên minh HTX Việt Nam thu 400.000.000đồng/tháng theo Hợp đồng hợp tác kể trên. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng số tiền Liên minh HTX Việt Nam thu được là hơn 24 tỷ đồng (24.800.000.000 đồng) trong số hơn 25 tỷ đồng (25.600.000.000 đồng) phải thu.
Đến nay, số tiền trên lẽ ra phải được ông Chủ tịch chỉ đạo để nộp tiền sử dụng đất của dự án Phạm Hùng theo đúng quy định. Tuy nhiên, số tiền này đã được sử dụng không đúng mục đích và chi tiêu hết. Dẫn đến Liên minh HTX Việt Nam đã dùng số tiền từ lợi nhuận được chia tại khách sạn Hà Nội Fortuna hơn 25 tỷ đồng (25.413.156.000 đồng) để nộp tiền sử dụng đất cho dự án Phạm Hùng theo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo.
Hiện nay (tính đến ngày 16/5/2022), Liên minh HTX Việt Nam đang là “chúa chổm” nợ tiền thuế sử dụng đất chưa nộp Ngân sách Nhà nước đối với dự án này là gần 57 tỷ đồng (56.933.618.337 đồng), trong đó số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 55 tỷ đồng (55.632.389.161 đồng).
Cần làm rõ trách nhiệm và hành vi “thao túng” của người đứng đầu
Trở lại vụ việc “Ai hô biến trụ sở công ở số 77 Nguyễn Thái Học”, theo PV tìm hiểu, tại trụ sở số 77 Nguyễn Thái Học, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ đạo Văn phòng ký 2 Hợp đồng ủy quyền sử dụng lợi thế cơ sở vật chất (thực chất là cho thuê tài sản công).
Cụ thể, Hợp đồng số 919/HĐUQSDLTCSVC ngày 25/12/2017, với số tiền thu về là 150.000.000 đồng/tháng (chưa bao gồm thuế VAT) và đến hết 25/9/2022, tổng số tiền Liên minh HTX Việt Nam thu được hơn 8 tỷ đồng (8.550.000.000 đồng). Và Hợp đồng số 69/HĐUQSDLTCSVC ngày 01/7/2018, với số tiền thu về là 60.000.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT), và đến hết tháng 9/2022 tổng số tiền Liên minh HTX Việt Nam thu được là hơn 3 tỷ đồng (3.420.000.000 đồng). Đến nay tổng số tiền thu được của hai Hợp đồng này gần 12 tỷ đồng (11.970.000.000 đồng) vẫn chưa được Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; Không chấp hành quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/NĐ-CP ngày 26/12/2017. Liên minh sẽ lý giải việc hợp thức hóa việc này ra sao?
Khoản 2 Điều 69 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Được cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ phê duyệt đề án. Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của tổ chức.
Điều 57 Nghị định 151/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Ban lãnh đạo của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ quản lý Nhà nước (đối với tổ chức thuộc Trung ương quản lý).
Từ đó có thể thấy vấn đề cần đặt ra đối với trách nhiệm của người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam khi chỉ đạo quản lý sử dụng tài sản công sai mục đích, không đúng quy định.
Hơn thế nữa, ngay tại số 6 Dương Đình Nghệ, nơi trụ sở của Liên minh HTX Việt Nam hiện nay, bất chấp các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, Liên minh HTX Việt Nam đã ký 3 Hợp đồng cho thuê mặt bằng ở đây không qua đấu thầu để kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (quán bia, phở…) và nhà thuốc tân dược với các đối tác bên ngoài, doanh thu từ cho thuê mặt bằng hàng tháng theo các hợp đồng đã ký khoảng 90 triệu đồng.
Trong giai đoạn đầu Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi) là Công ty Nhà nước trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam được Liên minh giao ký hợp đồng cho thuê mặt bằng đã nộp đủ số tiền về tổ chức là hơn 3 tỷ đồng (3.202.500.000 đồng). Song từ đầu năm 2019 cho đến ngày 30/6/2022, Công ty Thắng Lợi đã bị “hất cẳng”, thay thế bằng việc Liên minh HTX Việt Nam trực tiếp quản lý và thu tiền từ 3 Hợp đồng với các đối tác đã ký.
Cứ tưởng ông chỉ đạo việc quản lý và thu trực tiếp sẽ minh bạch, hiệu quả hơn. Nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của PV, doanh thu từ cho thuê mặt bằng của 3 Hợp đồng này từ năm 2019 đến ngày 30/6/2022 chỉ có 715.000.000 đồng trong tổng số phải thu được là 3.646.500.000 đồng, chỉ đạt 19,6% yêu cầu. Như vậy, số tiền chưa thu đúng và đủ này đang nằm trong túi ai?
Đến đây, dư luận sẽ đặt câu hỏi việc quản lý, sử dụng tài sản công của Liên minh HTX Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Bảo đứng đầu có tham nhũng, tiêu cực và gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hay không? Có thể thấy tổng số tiền thu, chi từ kinh tế ngành có nguồn gốc Ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mà việc quản lý, sử dụng, chi tiêu sai quy định, không đúng mục đích là rất nghiêm trọng. Rất cần sự vào cuộc điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật.