Có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả trên thị trường

V ấn nạn hàng giả đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Sáng 23/8, tại Hà Nội, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.

Ông Trần Đức Đông Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: H.Dịu

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: H.Dịu

"Mất trắng" vì hàng giả

Vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, gây nên rất nhiều hệ lụy, thậm chí đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.

Chia sẻ từ thực trạng của doanh nghiệp, đại diện thương hiệu PN’S CHOICE của Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho hay, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm, sản lượng khan hiếm cùng lợi ích kinh tế lớn khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Thậm chí, vị này thông tin, có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả trên thị trường, người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt, hệ lụy là khách hàng quay lưng với hàng chính hãng do lo sợ mua phải hàng giả, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh và người nuôi trồng.

Thậm chí, đại diện doanh nghiệp này còn cho rằng, cây sâm Ngọc Linh rất giống cây tam thất, nên có thể bị làm giả từ khâu cây giống. “Nếu nông dân mua nhầm cây giống giả, cái giá phải trả quá lớn vì sau 5 năm, mọi thứ gần như mất trắng khi thu hoạch”, đại diện PN’S CHOICE chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, nhiều năm qua, số lượng thuốc giả thâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi đặt cạnh nhau và so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng nên người tiêu dùng rất khó để phân biệt

“Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính”, bà Hà nhấn mạnh.

Cần công nghệ mới để phòng chống hàng giả

Nhận xét về thực trạng hàng giả, hàng nhái, theo ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước thực trạng này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm công nghệ chống giả Việt Nam, các nhà sản xuất phải tự cứu mình trước khi quá muộn, nên các doanh nghiệp có thể chống hàng giả bằng cách sử dụng con tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhưng tiên tiến hơn, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng.

Có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả trên thị trường
"Hành trình" truy xuất nguồn gốc của TrueData.

Nhận xét về giải pháp TrueData, đại diện PN’S CHOICE cho hay, đây là bước đột phá về công nghệ chống giả, bởi khi đó mỗi cây sâm giống sẽ được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng, giúp đảm bảo nguồn gốc cây giống thật. Sau khi thành nguyên liệu sản xuất và ra thành phẩm, mỗi sản phẩm cũng được gắn chíp để truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi sản phẩm đều được bảo hiểm nếu không phảo hàng chính hãng.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam sông Hồng, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện – PTI cho biết, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ TrueData sẽ được nhận bảo hiểm cho hành vi tấn công, truy cập trái phép hay giả mạo của bên thứ 3, cùng với đó là bảo hiểm cho lỗi hệ thống, lỗi vận hành hoặc lỗi bảo mật của sản phẩm công nghệ, dịch vụ công nghệ.