Có nên giữ vàng?

Tỷ suất lợi nhuận của vàng tương đối thấp so với các công cụ đầu tư khác, nhưng nhiều người dân vẫn giữ thói quen "trú ẩn" vào vàng.

Trong ít ngày qua, giá vàng trong nước biến động rất mạnh, chỉ trong một ngày có khi giá chênh lệch từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/lượng. Lấy ví dụ như sáng 20/7, chênh lệch mua - bán lên tới trên 2 triệu đồng/lượng. Sự "nhảy múa" này dĩ nhiên ảnh hưởng đến tấm lý của những người dân đang giữ vàng. Còn với các nhà đầu tư muốn "lướt sóng" thì quả là quá khó!

Lâu nay, theo quan niệm truyền thống "thời thịnh thế trữ đồ cổ, thời loạn thế mua vàng kim", trong bối cảnh địa chính trị biến động với chiến sự Nga - Ukraine, rất nhiều người lựa chọn "ẩn náu" vào vàng. Với người Việt thì vàng còn là một kênh tiết kiệm truyền thống - hơn cả gửi tiết kiệm. Chỉ cần quan sát diễn biến mua - bán trước ngày Vía Thần Tài cũng có thể phần nào thấy ý nghĩa của loại tài sản này với một bộ phận người dân: Vàng là đại diện cho phú quý, giàu sang, ngoài là tài sản vật chất còn mang ý nghĩa biểu tượng về tinh thần rất lớn. 

Dù theo thống kê của các quỹ và theo nhận xét của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, từ năm 2000 trở lại đây, tỷ suất lợi nhuận của vàng tương đối thấp so với các công cụ đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, thậm chí là tiền gửi ngân hàng, vậy nhưng, thói quen coi vàng như một tài sản "trú ẩn" vẫn là một thực tế. Bố mẹ tôi, năm nay hơn 60 tuổi, thói quen dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng hàng năm vẫn không đổi dù họ biết rằng, nếu mua vào mà bán ra ngay thì đương nhiên lỗ.

Có nên giữ vàng? - 1

Nhà nước đang độc quyền sản xuất vàng miếng với thương hiệu SJC (Ảnh: Mạnh Quân).

Thật khó để đưa ra một lời khuyên chính xác cho người khác trong vấn đề đầu tư, tiết kiệm: Nên giữ vàng trong nhà hay không? Điều này phụ thuộc vào quan niệm, khẩu vị rủi ro cũng như kế hoạch tài chính của riêng mỗi người. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đã đúc kết rằng, nếu coi đây là kênh đầu tư, tích trữ tài sản thì cũng nên có những nguyên tắc nhất định: Không bỏ trứng vào một giỏ - không nên bỏ hết tài sản vào vàng; không tranh đua mua vào những đợt giá tăng quá cao, mua đuổi theo tâm lý đám đông (như ngày Vía Thần tài) vì điều này tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn rất lớn. 

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, một người rất am hiểu về thị trường vàng - chia sẻ rằng, ông từng nghĩ mình đoán được giá vàng, nhưng sau khi đầu tư vàng và làm chủ sàn vàng (VTG) thì ông thấy, hầu như không thể dự đoán đúng giá vàng. Thế nên khi nhận định về thị trường, chuyên gia thường nói: Giá vàng diễn biến rất khó lường.

"Giá vàng như có mắt vậy. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh. Giá vàng không cho ai "ăn dày", thắng đủ cơn sóng. Nhưng lại làm cho rất nhiều người thua lớn" - Nhận định này theo ông vẫn luôn đúng trong nhiều năm nay.

Đối với những nhà giao dịch (trading) ông Chánh khuyên: Đừng quá tự tin về một xu hướng nào đó, luôn tuân thủ chốt lời cắt lỗ. Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, tích lũy tài sản chờ giá vàng lên, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên chỉ nên đầu tư 5% - 10% tài sản vào vàng thôi. 

Lý do thứ nhất, theo ông Chánh, là tỷ suất lợi nhuận của vàng quá kém trong 20 năm qua, chỉ ở mức từ 7% - 12%/năm, tùy giai đoạn. Tại sao đầu tư nhiều vào vàng, khi chúng ta có thể đầu tư vào các tài sản khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn? 

Lý do thứ hai là rủi ro về cất giữ. Nếu đầu tư cổ phiếu thì có trung tâm lưu ký chứng khoán và các hệ thống lưu giữ cổ phiếu; nếu gửi tiền ngân hàng thì ngân hàng và hệ thống quản lý ngân hàng giữ tiền hộ, còn khi người dân đầu tư vào vàng vật chất thì họ phải tự giữ, rất rủi ro!

Một vấn đề lớn mà công luận quan tâm là hiện tại khi đầu tư vàng vật chất, nhà đầu tư có ít sự lựa chọn. Sau 10 năm áp dụng để chống "vàng hóa" nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, một vị đại biểu bày tỏ sự trăn trở khi Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC cũng chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, còn tại thời điểm ông chất vấn trước Quốc hội (vào tháng 6/2022), giá vàng đã gần 70 triệu đồng/lượng.

Vị đại biểu này đặt câu hỏi rằng liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cho đơn vị, tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không để thị trường vàng hạ nhiệt, giá vàng giảm xuống? Bởi nếu giá vàng SJC tăng cao thì tình hình lạm phát có thể sẽ tăng theo và đồng tiền Việt Nam cũng có thể mất giá. Cần có sự điều chỉnh giá vàng SJC ở trong nước phù hợp với thị trường trên thế giới.

Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của NHNN.

Tại cuộc họp báo của NHNN hồi tháng 6, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, thông qua tìm hiểu và đánh giá thực tiễn tại các cửa hàng bán vàng SJC, ngành ngân hàng đang nghiên cứu một cách thấu đáo và đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.

Tuy nhiên, ông Tú cũng nhấn mạnh rằng, trong suốt 10 năm qua, không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.

Như vậy, dù cơ quan chức năng sửa Nghị định 24 theo chiều hướng ra sao thì có lẽ người dân đều cần nhìn thẳng vào thực tế rằng, đây vẫn là kênh tài sản không được khuyến khích tích trữ. Quan niệm về "kênh đầu tư" này có lẽ cũng nên được cân nhắc, xem xét trong bối cảnh mới, bởi đã là đầu tư thì câu chuyện tối ưu lợi nhuận, kiểm soát rủi ro ở mức thấp vẫn là hàng đầu, chứ không nên chỉ vì đó là một thói quen.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.