Cổ phiếu ART và KLF bị cắt margin từ ngày 31/8

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bổ sung thêm 11 mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin). Đa số các mã này đều có chung 1 lý do bởi tổ chức niêm yết chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá hạn 5 ngày.

Đáng nói trong danh sách cắt margin, 2 cổ phiếu có khối lượng lưu hành và thanh khoản lớn nhất đều thuộc “họ FLC”, bao gồm cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS và cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS.

Cổ phiếu ART và KLF bị cắt margin từ ngày 31/8
 

Với hơn 165 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, cổ phiếu KLF ghi nhận tổng cộng gần 21.000 cổ đông (ĐHCĐ thường niên 2022 hồi tháng 6). Được biết, cổ phiếu KLF từng là đại diện góp mặt trong rổ HNX30 từ tháng 5/2014.

Với Chứng khoán BOS, doanh nghiệp hiện có hơn 14.500 cổ đông nắm giữ gần 97 triệu cổ phiếu ART, ghi nhận tại báo cáo phiên hợp ĐHCĐ thường niên (lần 2) 2022 hồi cuối tháng 7. Tuy nhiên, phiên họp này đã diễn ra bất thành do chỉ có 33 cổ đông, đại diện cho 345.000 cổ phần (0,36% vốn) dự họp.

Tính chung trên sàn HNX, thanh khoản của cả 2 mã này đều duy trì ở mức hàng triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Trên thị trường, chốt phiên 30/8, cổ phiếu ART tăng 4,65% lên mức 4.500 đồng/cp giảm, khoảng 75% so với giá hồi đầu năm, thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất đạt 2,8 triệu đơn vị. Đồng pha, cổ phiếu KLF cũng tăng 3,85% lên mức 2.700 đồng/cp trong phiên 30/8, giảm 75% so với giá hồi đầu tháng 1/2022, khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 4,1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ART và KLF bị cắt margin từ ngày 31/8
Diễn biến giá cổ phiếu ART và KLF.

Được biết, đây đều là doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, nhóm gặp rất nhiều vấn đề từ đầu năm đến nay khi lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt, nhiều công ty chưa thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ công bố thông tin ĐHCĐ thường niên, kết quả kinh doanh quý,...

Đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán BOS vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I, II/2022.

Ở một diễn biến liên quan, mới đây, một cổ phiếu lớn thuộc hệ sinh thái này là ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã bị hủy niêm yết trên sàn HOSE và sắp được giao dịch trên sàn UPCoM trong thời gian tới. Trong khi đó, hai mã FLC và HAI được HOSE cảnh báo về nguy cơ đình chỉ giao dịch.

Thận trọng với cổ phiếu có nguy cơ dính án "cắt margin"

Sau đợt công bố kết quả kinh doanh quý II/2022, nhiều doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh kiểm toán bán niên với không ít biến động. Trong khi số ít báo lãi tăng lên hoặc lỗ giảm đáng kể như BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn, L14 của Licogi 14 hay DRI của Cao su Đắk Lắk thì nhiều doanh nghiệp lại bất ngờ chuyển lỗ như Chứng khoán SHS, Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (MAC) hay tăng lỗ như VKC Holdings (VKC), Thương mại Hà Tây (HTT), Cơ khí Xây dựng (TCK) hay Nhà Đà Nẵng (NDN).

Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" ngày 24/8, các chuyên gia đã chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm dành cho nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều báo cáo tài chính soát xét của nhiều doanh nghiệp khác với báo cáo tự lập dẫn đến chuyển lãi thành lỗ và bị cơ quan quản lý "cắt margin".

Ông Tô Xuân Nam, chuyên gia của Công ty quản lý quỹ SSIAM cho rằng nhà đầu tư khi nhìn vào BCTC thì nên chú ý đến quy chuẩn trên đó. Hiện nay, Việt Nam đang dần tiếp cận với quy chuẩn IFRS của thế giới. Khi đó các báo cáo của doanh nghiệp sẽ đồng bộ với nhau hơn. Ngoài ra, các công ty cũng phải theo những chuẩn mực kế toán nhất định, giúp hạn chế hiện tượng báo cáo tự lập một đằng mà sau soát xét lại một nẻo.

"Hiện tượng báo cáo tự lập khác soát xét những năm gần đây đã ít đi. Các công ty cũng đã bắt đầu làm BCTC của mình theo quy chuẩn IFRS. Nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng các công ty lớn sẽ tuân thủ theo chuẩn mực kế toán hơn là các công ty nhỏ. Với các công ty nhỏ thì cần theo dõi BCTC một cách chặt chẽ hơn", ông Nam nói.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cũng đồng tình với quan điểm của ông Nam. "Đó là lý do doanh nghiệp cần đến kiểm toán. Nhiều nhà đầu tư có thể không đọc được hết BCTC mà doanh nghiệp công bố, không nhìn thấy phần rủi ro. Đến khi kiểm toán viên tham gia và đưa ra báo cáo soát xét thì những vấn đề sẽ được phản ánh chân thực hơn", ông Hưng nói.

Hiện nay, cũng có một số người cho rằng sự khác nhau giữa báo cáo soát xét vào báo cáo tự lập là sự bất đồng trong quan điểm của bút toán của kiểm toán viên với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc có kiểm toán sẽ giúp BCTC đi theo đúng chuẩn mực, phản ánh đúng tình hình của công ty hơn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.