Osaka Garden và Hoàng Phú Vương phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu
Tháng 10/2021, dự án Sài Gòn Bình An, với tổng diện tích lên tới 117 ha, nằm trên “đất vàng” thuộc quận 2 cũ, nay thuộc thành phố Thủ Đức bất ngờ sang tên đổi chủ.
Chủ cũ của dự án này là Tập đoàn Him Lam đã bán cho 7 đối tác cùng góp vốn. 2 trong số các chủ đầu tư cùng góp vốn để mua lại dự án này là Công ty CP Osaka Garden và Công ty CP Hoàng Phú Vương.
Không rõ tổng giá trị sang nhượng Sài Gòn Bình An là bao nhiêu, thế nhưng, để có tiền “góp” vốn đặt cọc một phần dự án, Osaka Garden và Hoàng Phú Vương đã phát hành ồ ạt trái phiếu.
Trong đó, tổng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ của Osaka Garden là 7.700 tỷ đồng. Hoàng Phú Vương “góp” thêm 4.670 tỷ đồng. Như vậy, 2 doanh nghiệp này đã phát hành trái phiếu, với tổng giá trị là 12.370 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ giám sát, thanh tra thị trường trái phiếu trong năm 2021 và quý I/2022, Bộ Tài chính đã “bêu tên” Osaka Garden và Hoàng Phú Vương ở danh mục, chủ đầu tư phát hành trái phiếu cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu.
Trong đó, Bộ Tài chính xác định, Osaka Garden đã phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, xếp thứ 3 trong danh sách những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường.
Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 270 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng phát hành cao hơn 28,5 lần vốn chủ sở hữu. Osaka Garden cũng là doanh nghiệp đứng số 2 về chỉ số này.
Với Hoàng Phú Vương, Bộ Tài chính xác định, trong năm 2021 đã phát hành 4.670 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ có 800 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng phát hành trái phiếu cao hơn 5,8 lần so với vốn chủ sở hữu, đứng vị trí thứ 3 về chỉ số này.
Trước đó, trong báo cáo thị trường nhà ở và bất động sản quý I/2022, Bộ Xây dựng đã khẳng định: Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Một trong những hành vi đó chính là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đề nghị một số Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Osaka Garden và Hoàng Phú Vương làm ăn thế nào?
Công ty CP Osaka Garden được thành lập vào năm 2018, do ông Nguyễn Hữu Cử làm người đại diện công ty. Trong giai đoạn 2018 - 2020, công ty này không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào.
Trong khi đó, Osaka Garden liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2018, Osaka Garden lỗ 49 triệu đồng, năm 2019 lỗ 160 triệu đồng và năm 2020 lỗ 174 triệu đồng. Như vậy, trong 3 năm đầu hoạt động, Osaka Garden lỗ “nhẹ” 383 tỷ đồng.
Có thể thấy, Osaka Garden liên tục ghi nhận lỗ nhưng vẫn phát hành tới 7.700 tỷ đồng, giá trị trái phiếu trong 2021 là rất mạo hiểm.
Trong khi đó, Công ty CP Hoàng Phú Vương cũng được thành lập vào năm 2018, người đại diện pháp luật là bà Tô Thị Như Thủy.
Tương tự như Osaka Garden, trong giai đoạn 2018 - 2020, Hoàng Phú Sinh không có hoạt động kinh doanh, nên doanh thu là 0 đồng.
Về lợi nhuận, Hoàng Phú Vương cũng liên tục báo lỗ. Trong đó, năm 2018, Hoàng Phú Vương lỗ 52 triệu đồng. Năm 2019 lỗ 186 triệu đồng và năm 2020 lỗ 180 triệu đồng. Như vậy, sau 3 năm hoạt động, Hoàng Phú Vương lỗ “nhẹ” 418 triệu đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất rà soát doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phát hành trái phiếu lãi suất cao.
Bộ Tài chính yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tại thời điểm 31/3/2022) để đề xuất danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra, thanh tra gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Các tiêu chí thanh tra bao gồm, khối lượng khi phát hành và khối lượng dư nợ lớn; có số đợt phát hành nhiều, liên tục; phát hành lãi suất cao; doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh thua lỗ… hoàn thành trước ngày 3/5/2022.
Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp khẩn trương kiểm tra giám sát tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành lớn, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính, hoàn thành trước ngày 10/5/2022.