Bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn khứu giác và vị giác kéo dài
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu sau khi nhận thấy ngày càng nhiều bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn khứu giác và vị giác kéo dài nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Bác sĩ Jay Piccirillo, chuyên gia tai mũi họng thuộc Đại học Washington (Mỹ), tác giả nghiên cứu, cho biết: "Trong vài tháng qua, tôi và các đồng nghiệp đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân đến khám vì rối loạn chức năng khứu giác. Tình trạng rối loạn có thể bao gồm cảm nhận mùi dễ chịu (như mùi của trái cây tươi) hoặc mùi hôi thối".
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xem xét các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới hàng ngày được Dự án theo dõi COVID-19 báo cáo từ ngày 13/01/2020 đến ngày 07/3/2021. Họ cũng nghiên cứu tỷ lệ rối loạn chức năng khứu giác (OD) cấp tính do bệnh COVID-19 (dựa trên kết quả một phân tích gộp gần đây là 52,7%) và tỷ lệ phục hồi rối loạn chức năng khứu giác (dựa trên kết quả một nghiên cứu tiến cứu là 95,3%).
Ý kiến chuyên gia
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Qua phân tích về các trường hợp COVID-19 mới nhiễm hàng ngày, tỷ lệ rối loạn chức năng khứu giác cấp tính và tỷ lệ hồi phục rối loạn này đã cho thấy khoảng hơn 700.000 người và có thể lên tới 1,6 triệu người Mỹ bị rối loạn chức năng khứu giác mạn tính (COD) vì SARS-CoV-2. Tuy nhiên, con số này có thể vẫn còn cao hơn do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc".
Theo các nhà khoa học, các bệnh lý khác cũng có thể gây ra rối loạn chức năng khứu giác, tuy nhiên với khoảng 700.000 đến 1,6 triệu trường hợp rối loạn chức năng khứu giác liên quan đến COVID-19 là đáng quan tâm, tương ứng 5,3%-12% trong tổng số người bị tình trạng rối loạn chức năng khứu giác.
Các nhà khoa học cho rằng: "Ở nhóm người trẻ tuổi, rối loạn chức năng khứu giác do COVID-19 cao hơn so với các nguyên nhân khác. Do đó, ảnh hưởng của rối loạn chức năng khứu giác ở người trẻ tuổi mắc COVID-19 sẽ nặng nề hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi hơn".