Khoảng 43,4% dân số trên toàn thế giới đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: Army)
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 301.738 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.235 ca tử vong. Anh ghi nhận số ca mắc cao nhất tính trên phạm vi toàn cầu, với 45.140 ca, trong khi Nga có số ca tử vong cao nhất, với 997 ca.
* Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại, giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo một "đại dịch kép" vào mùa Đông và mùa Xuân tới.
Mùa Thu và mùa Đông là thời gian thường xảy ra các bệnh về hô hấp như cúm. Global Times dẫn thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đề nghị các địa phương ở nước này tăng cường các biện pháp phòng dịch khi mùa cúm đã bắt đầu.
Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo nguy cơ hình thành “dịch kép” do các loại virus gây Covid-19 và cúm mùa hoạt động mạnh gây ra khi mùa Đông sắp đến. Hàng năm, vẫn có đến 40.000 người tại EU qua đời liên quan cúm mùa.
* Tại Đông Nam Á, theo Worldometers, trong 24 giờ qua, toàn khối ASEAN ghi nhận gần 35.000 ca mắc mới, bao gồm 405 trường hợp tử vong. Kể từ đầu dịch, tổng số ca bệnh trong khu vực đã lên tới xấp xỉ 12,8 triệu, trong đó hơn 272.000 bệnh nhân không qua khỏi.
Tuy nhiên, dịch có dấu hiệu bớt nghiêm trọng ở ASEAN khi nhiều nước đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong hàng ngày giảm mạnh so với trước.
Ngày 17/10, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 296 ca mắc mới, trong đó có 283 ca cộng đồng tại 10 tỉnh/thành; còn lại là ca nhập cảnh được cách ly ngay. So với những ngày trước đó, số ca mắc mới tại Lào có xu hướng giảm.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào hiện là 32.029 ca, trong đó có 40 ca tử vong - tăng 2 ca trong 24 giờ qua.
Còn tại Philippines, ngày 17/10 là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 ở nước này giảm xuống dưới 8.000 ca, song giới chức vẫn khuyến cáo người dân không lơ là và tuân thủ các quy định phòng dịch để ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm mới.
Theo Bộ Y tế nước này, với 6.913 ca mắc Covid-19 mới ghi nhận, hiện nước này có tổng cộng 2.720.368 ca mắc, trong đó 40.675 ca tử vong - tăng 95 ca trong 24 giờ qua.
Để sớm khống chế dịch, các nước ASEAN đang nỗ lực tăng tốc chủng ngừa Covid-19 đại trà. Theo New York Times, nước có tỉ lệ tiêm phòng đứng đầu khu vực là Singapore với 83% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 82% đã hoàn thành tiêm chủng và 9,7% được tiêm liều tăng cường.
Campuchia xếp thứ 2 với 82% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 75% được tiêm đủ liều và 7,8% đã tiêm mũi nhắc lại.
* Ở châu Âu, Nga đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 theo ngày ở mức kỷ lục, cao hơn 70% so với số liệu cách đây một tháng khi nước này đối mặt với làn sóng bùng phát mới. Đến nay, Nga ghi nhận xấp xỉ 8 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có 223.312 ca tử vong.
Thống kê chính thức hôm 17/10 cho biết, có 34.303 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao hơn nhiều so với con số 20.174 được báo cáo vào ngày 19/9.
Giới chức Nga đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng thông qua khuyến khích các giải thưởng xổ số, tiền thưởng và các biện pháp khác, nhưng sự hoài nghi về vaccine ngày càng lan rộng và các tín hiệu trái chiều từ các quan chức đã cản trở nỗ lực này.
Khoảng 51 triệu người Nga, tương đương 35% trong tổng số gần 146 triệu dân nước này, đã được tiêm một liều vaccine, 47,5 triệu người được tiêm đủ hai liều vaccine hoặc một mũi Sputnik Light (vaccine một liều duy nhất).
Trong khi đó, khoảng 61% người Nga trưởng thành đã có kháng thể sau khi được tiêm phòng hoặc đã nhiễm bệnh.
Bất chấp số ca nhiễm ngày càng gia tăng, Điện Kremlin đã loại trừ phương án đóng cửa toàn quốc như ở đợt đầu bùng phát đại dịch, do lo ngại các tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thay vào đó, Moscow đã giao quyền thực thi các hạn chế nhằm kiềm chế đại dịch cho chính quyền các địa phương.
Tại Anh, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 45.140 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ giữa tháng 7. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại xứ sở sương mù vượt mốc 40.000 người.
Theo The Guardian, tổng số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua tại Anh lên 300.081 người, tăng 15,1% so với một tuần trước đó. Số ca mắc mới từng giảm nhẹ hồi đầu tháng 9, nhưng có xu hướng liên tục tăng trở lại từ giữa tháng trước.
Cho đến hiện tại, Anh vẫn là "ổ dịch" lớn nhất châu Âu và xếp thứ 4 thế giới với hơn 8,4 triệu ca mắc, 138.584 trường hợp tử vong. 74% dân số toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 67% hoàn thành tiêm chủng.
Nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus, nhà chức trách dự kiến sẽ tổ chức các trạm tiêm chủng lưu động dành cho trẻ từ 12-15 tuổi trong vòng vài tuần tới. Nhóm trẻ trong độ tuổi này đang có tỷ lệ mắc SARS-CoV-2 cao nhất so với các nhóm tuổi khác.
* Tại châu Phi, một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, cứ khoảng 7 ca mắc Covid-19 tại châu Phi thì chỉ có 1 ca được phát hiện. Điều này cho thấy số ca mắc trên thực tế cao hơn nhiều và nguyên nhân là bởi năng lực xét nghiệm tại lục địa này còn hạn chế.
Theo phân tích của WHO, số ca mắc Covid-19 trên thực tế tại châu Phi có thể lên tới 60 triệu ca, trong khi các thống kê từ Worldometers hiện nay chỉ ghi nhận khoảng 8,4 triệu ca, trong đó có 214.000 ca tử vong.
Báo cáo chỉ ra rằng, tỷ lệ xét nghiệm tại lục địa này ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Kể từ khi đại dịch bùng phát, chỉ có khoảng 70 triệu xét nghiệm Covid-19 tại các nước châu Phi, chiếm một phần nhỏ trong tổng số 1,3 tỷ dân.
Giám đốc WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti chỉ rõ, hầu hết các xét nghiệm Covid-19 đều được thực hiện ở những người có triệu chứng, song phần lớn các ca lây nhiễm là đều không có triệu chứng, do vậy những gì đang diễn ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Tại Ai Cập, Ủy ban cấp cao về kiểm soát Covid-19 thông báo, các nhân viên nhà nước chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ không được phép tới công sở làm việc kể từ sau ngày 15/11 hoặc họ sẽ phải tiến hành xét nghiệm PCR hàng tuần.
Theo số liệu của chính phủ Ai Cập, số người được tiêm 2 liều vaccine ngừa Covid-19 ở nước này hiện là 7 triệu, trong khi số người được tiêm 1 mũi là khoảng 13 triệu. Quốc gia Bắc Phi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% trong tổng số hơn 100 triệu người dân vào cuối năm 2021.
Theo trang Bloomberg, các nước đang triển khai chương trình tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử. Hơn 6,67 tỷ liều vaccine đã được sử dụng tại 184 nước, tương đương 26,4 triệu liều/ngày. Khoảng 43,4% dân số trên toàn thế giới đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, do tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine, nên giới chuyên gia cho rằng cần thêm 6 tháng nữa mới có thể bao phủ vaccine cho 75% dân số toàn cầu.