CTCP FECON (mã FCN): Doanh thu nghìn tỷ nhưng vẫn phải tăng cường vay nợ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 tại Fecon cho thấy, riêng quý 2/2021 lãi ròng đạt hơn 34 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp là 17,6%, tuy giảm nhẹ so với 18% của quý 1 nhưng cao hơn so với mức 14% của cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Fecon thu được gần 1.341 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng, xây lắp và cung cấp dịch vụ, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 239 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận thuần ghi nhận hơn 68 tỷ đồng, tăng 32% và lãi sau thuế tại Fecon đạt gần 50,4 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, dù lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng qua nhưng dòng tiền kinh doanh tại Fecon lại đang ở trạng thái âm hơn 399,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 99 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm hơn 644 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 75,6 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 33,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 7,3 tỷ đồng.

Một trong những lý do khiến dòng tiền kinh doanh tại Fecon âm lớn là giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/6/2021 đạt hơn 1.773 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm, chiếm tới 23% tổng tài sản. Hàng tồn kho chủ yếu đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh dang dở tăng vọt 184% lên gần 1.659 tỷ đồng. Ngoài ra, do tiền chi từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh.

Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ, đạt gần 888 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2021, nợ phải trả tại Fecon chiếm tỷ lệ khá cao, tăng vọt 124% so với đầu năm, lên gần 5.308 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản, lớn gấp 2,38 lần vốn chủ sở hữu (hơn 2.230 tỷ đồng) Trong đó, riêng nợ ngắn hạn phải trả có giá trị lên tới hơn 4.378 tỷ đồng, nợ dài hạn phải trả cũng tăng vọt 244% lên hơn 929 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015 -2020, Fecon luôn duy trì tỷ số nợ trên tổng tài sản ở mức trên 50%. Điều này cho thấy, Fecon đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, phần lớn tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.

Dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư bị âm liên tục dẫn tới Fecon phải tăng cường vay nợ. Do đó, vay và nợ thuê tài chính của Fecon tại thời điểm ngày 30/6/2021 đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh 138% lên gần 1.683 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng vọt 246% lên hơn 922 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ vay tại Fecon tính đến 30/6/2021 tăng 63% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.605 tỷ đồng, chiếm tới 49% nợ phải trả và đã vượt qua vốn chủ sở hữu của Fecon.

Nợ vay tại Fecon tăng dẫn tới chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh 146% so với cùng kỳ 2020, lên hơn 64 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay tại Fecon tăng, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ tăng 48%, lên hơn 68 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, Fecon chỉ có gần 325 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, còn hơn 36,7 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng vào khoảng 362 tỷ đồng, chỉ có thể giải quyết được một phần rất nhỏ khoản nợ ngắn hạn phải trả và nợ vay tài chính ngắn hạn.